Nông dân với “ma trận” phân bón - Bài cuối: Những bất cập trong quản lý

26/11/2015 08:00 GMT+7

Tuy các cơ sở sản xuất trong nước đã đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón các loại nhưng qua kiểm tra, các ngành chức năng lại phát hiện số phân bón vi phạm về chất lượng chiếm gần 30% số vụ kiểm tra.

Tuy các cơ sở sản xuất trong nước đã đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón các loại nhưng qua kiểm tra, các ngành chức năng lại phát hiện số phân bón vi phạm về chất lượng chiếm gần 30% số vụ kiểm tra.

 Tiêu hủy phân bón giả ở Long An - Ảnh: CTV Tiêu hủy phân bón giả ở Long An - Ảnh: CTV
Khó khăn trong xử lý
Hai năm qua, sự ra đời của Nghị định 202/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1.2.2014) đã đẩy mạnh việc quản lý phân bón bằng cách giao cho Bộ Công thương quản lý sản xuất kinh doanh (SXKD) và chất lượng phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT quản lý SXKD, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy quyết tâm trong đấu tranh với gian lận thương mại của Chính phủ, trong đó có phân bón. Tuy nhiên, Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp không quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng QLTT khiến cho lực lượng này không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón kém chất lượng.
Ông Đoàn Văn Minh, Phó chánh Thanh tra sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho rằng theo thông tư 26 ngày 12.12.2012 của Bộ KH-CN, khi phát hiện cơ sở, doanh nghiệp có dấu hiệu SXKD phân bón giả, kém chất lượng, lực lượng thanh tra, kiểm tra không được quyền niêm phong lô hàng khi lấy mẫu kiểm tra chất lượng, vì nếu như mẫu phân bón đạt chất lượng thì cơ sở sẽ yêu cầu bồi thường. Nên khi có kết quả không đạt thì cơ sở đã bán hết lô hàng gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có quyền đề nghị phúc kiểm lại kết quả kiểm tra chất lượng của lực lượng chức năng lần 2. Kết quả này sẽ được công nhận là chất lượng sản phẩm, từ đó gây khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng. Vì thực tế cho thấy, kết quả phúc kiểm lần 2 luôn đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so với kiểm nghiệm lần đầu.
Tiếp tay cho phân bón kém chất lượng
Thời gian qua, việc một số cán bộ tiếp tay cho cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng đã gây bức xúc trong dư luận. Vụ gần nhất xảy ra vào cuối tháng 10.2015, khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Văn Hữu (nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 7, Chi cục QLTT tỉnh Long An) để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó cuối tháng 12.2014, Hữu ký quyết định kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp Út Hoành (xã Thái Bình Trung, H.Vĩnh Hưng, Long An) và lấy mẫu phân bón đi kiểm nghiệm. Khi đó, Đội QLTT số 7 cũng lấy các mẫu phân bón của những cửa hàng khác trên địa bàn đi kiểm nghiệm, kết quả có 6/15 mẫu không đạt chất lượng. Từ kết quả trên, Hữu đã ký 6 thông báo tạm dừng lưu thông đối với số phân bón kém chất lượng, trong đó có lô phân NPK (100 bao, loại 50 kg/bao) đang lưu kho tại cửa hàng Út Hoành. Thay vì gửi thông báo đến 6 đơn vị có sai phạm, Hữu yêu cầu cấp dưới tách giao hồ sơ của cửa hàng Út Hoành cho Hữu giữ. Sau đó, kết quả kiểm nghiệm đã thay đổi từ kém chất lượng thành đạt chất lượng và 5 tấn phân đang bị niêm phong tại cửa hàng Út Hoành đã được “giải cứu”. Khi Chi cục QLTT tỉnh Long An đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 xin bản lưu kết quả kiểm tra lô phân tại cửa hàng Út Hoành mới biết kết quả kiểm nghiệm đã được cạo sửa.
Tương tự, ngày 20.3.2014, TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và bác đơn kháng cáo, tuyên phạt Nguyễn Văn Trỗi (46 tuổi, nguyên Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù về tội nhận hối lộ. Khi còn tại chức, Trỗi ký quyết định thanh tra chuyên ngành các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Sau khi lấy mẫu gửi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ phân tích đã có một số mẫu không đạt chất lượng, trong đó có mẫu của DNTN Khải Hoàn do ông Huỳnh Ngọc Khải đứng tên và một đại lý phân bón của DNTN Hiệp Hòa (trụ sở ở Vĩnh Long) do bà Tuyết làm chủ. Sau đó, ông Khải và bà Tuyết nhờ Đỗ Đạt Vân là nhân viên tiếp thị của một doanh nghiệp phân bón “giúp đỡ”. Vân yêu cầu ông Khải chuyển 15 triệu đồng, bà Tuyết chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản để Vân đưa cho Trỗi. Sau khi nhận tiền, Vân liên hệ thì Trỗi hứa sẽ liên lạc với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ đề “nhờ” giám định lại lần 2 các mẫu phân bón trên thành đạt chất lượng. Sau khi chuyển tiền cho Vân, ông Khải đã đến cơ quan điều tra tố cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.