Nông dân làm ăn lớn - Kỳ 5: Thầy giáo làng tạo giống lúa mới

10/07/2015 06:14 GMT+7

Hồng Ngọc Óc Eo là giống lúa mới ra đời vài năm gần đây và đã nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng nhờ chất lượng thơm ngon đặc biệt. Cha đẻ của giống lúa trên là ông thầy giáo trường làng Danh Văn Dưỡng ở thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang).

Hồng Ngọc Óc Eo là giống lúa mới ra đời vài năm gần đây và đã nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng nhờ chất lượng thơm ngon đặc biệt. Cha đẻ của giống lúa trên là ông thầy giáo trường làng Danh Văn Dưỡng ở thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang).

Thầy giáo Dưỡng (người ngồi) đang từng bước xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Hồng Ngọc Óc Eo Thầy giáo Dưỡng (người ngồi) đang từng bước xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Hồng Ngọc Óc Eo - Ảnh: Ngô Xuân

Người dân địa phương vẫn quen gọi ông bằng cái tên thân mật là thầy Dưỡng vì ông xuất thân thầy giáo. Ở vùng quê này trước khi có đê bao người dân chỉ trồng lúa mùa nổi. Những năm gần đây theo đà phát triển của lúa cao sản, cây lúa mùa mất chỗ đứng. Đó cũng là lúc thầy giáo Dưỡng nhận ra giá trị của nó và tiếc cho một nguồn gien quý, một loại lúa tuy năng suất không cao nhưng gạo lại rất thơm ngon.

Giống HNOE được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ông Dưỡng đang chờ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp chứng nhận bảo hộ về giống. “Đây là một giống lúa ngắn ngày nhưng có đặc trưng của giống lúa mùa, có gạo lứt màu đỏ tía và hạt gạo trắng hồng, cơm có vị ngọt, thơm và dẻo, xốp rất hấp dẫn. Có thể sản xuất cả 3 vụ và năng suất rất cao”, TS Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đánh giá.

 Từ 6 hạt lúa mùa đỏ

Năm 2004 ông Dưỡng bắt đầu nghiên cứu cách lai tạo giống qua sách vở. Năm 2006, trong một đợt tập huấn ở Cần Thơ, ông tình cờ gặp một bạn học ở Hòn Đất (Kiên Giang) và được cho 3 bông giống lúa mùa cho gạo có màu đỏ nhưng chưa thuần để làm giống. Trong 3 bông lúa đó ông chọn được 6 hạt tốt nhất nhân giống và phát hiện ra đây chính là giống lúa “Tàu Binh” nức tiếng một thời. Vậy là ông tiếp tục chọn lại để đạt độ thuần rồi cho lai với giống OM-4926 (giàu chất sắt), nhằm khắc phục những hạn chế của giống lúa mùa như thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp.

Sau nhiều vụ lai tạo và trồng thử nghiệm, cuối cùng ông đã tạo ra được giống lúa mà chất lượng gạo còn tốt hơn cả lúa mùa nổi và năng suất cũng cao hơn hẳn. “Bên cạnh việc cho gạo thơm ngon, màu đẹp như hồng ngọc, loại lúa này còn rất cứng cây, kháng sâu bệnh, năng suất từ 7 - 9 tấn/ha trong vụ đông xuân. Tôi đặt tên là Hồng Ngọc Óc Eo (HNOE) để vừa thể hiện màu sắc đặc thù của hạt gạo vừa mang tên vùng đất đã sinh ra nó”, ông Dưỡng chia sẻ.

Ông Dưỡng cho biết, HNOE khi vừa trổ được 3 lá là bắt đầu tỏa hương thơm cho đến khi thu hoạch. Trời càng nắng tốt mùi thơm càng ngào ngạt. Gạo cũng vậy, khi nấu là tỏa mùi hương khắp nơi.

Xây dựng thương hiệu

Cuối năm 2012, ông Dưỡng đưa sản phẩm lúa HNOE của mình lên TP.HCM tham dự hội chợ nông nghiệp. Trong chuyến đi này, ông tìm được đối tác để ký hợp đồng bao tiêu là Công ty Thiên Ưng. Bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2013, sản lượng bao tiêu không ngừng tăng lên nên diện tích sản xuất không ngừng được mở rộng, đến nay đã trên 60 ha. Giá lúa tươi mà công ty thu mua là 6.500 đồng/kg, lúa khô là 8.500 đồng/kg.

Vụ đông xuân 2014, ông Dưỡng được Công ty Bảo Ngọc (TP.HCM) mời sang Lào sản xuất phục vụ dự án phát triển nông nghiệp của tỉnh Champasak. Ông đem giống HNOE cùng 24 nông dân qua đó gieo trồng trên diện tích 100 ha. Năng suất trung bình của vụ đầu tiên lên đến 6 tấn/ha (trước đó chỉ 1,5 tấn/ha). Người dân Lào từ ngỡ ngàng đến thán phục và nhiều đoàn khách từ Campuchia, Thái Lan... qua tham quan cũng hết lời tán thưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.