Nỗi sợ mang tên 'lãi suất âm'

18/06/2016 08:23 GMT+7

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã và đang có nhiều bước đi chưa từng có để hồi sinh nền kinh tế. Song họ đã đi quá xa, theo CNN.

Tháng 6.2014, ECB giảm lãi suất về dưới 0. Đây là động thái được cho là khác thường và mang tính thử nghiệm. Ngân hàng trung ương thậm chí còn đẩy lãi suất xuống sâu hơn nữa trong vùng tiêu cực vào năm nay. Chủ tịch Paul Achleitner của ngân hàng Deutsche Bank cho hay chiến lược này đang gây tác dụng ngược.
“Mọi người nhìn vào và xem lãi suất tiêu cực như tín hiệu cảnh báo rằng tương lai thậm chí còn ít an toàn hơn so với hiện tại”, ông Achleitner nhận định tại một sự kiện tổ chức ở New York hôm 17.6. Nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ Jeffrey Gundlach thì gọi lãi suất âm ở châu Âu và Nhật Bản là bệnh dịch lớn của thế kỷ 21.
Tại sao lại là lãi suất âm?
Toàn bộ mục đích của lãi suất âm là để phạt những ngân hàng và người tiết kiệm hiện nắm giữ tiền mặt. Họ hưởng lãi suất 0%, hoặc phải trả một khoản phí trong vài trường hợp. Ý tưởng này nhằm thúc đẩy người Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và các quốc gia khác ra ngoài và tiêu tiền.
Song ông Achleitner cho biết điều này không xảy ra. “Nếu bạn đưa cho người tiêu dùng Mỹ 100 USD hay hơn, anh ta có thể sẽ tiêu nó. Nếu bạn đưa người tiêu dùng Đức 100 USD hoặc hơn, anh ta sẽ tiết kiệm nó”, ông Achleitner giải thích.
Tâm lý sợ hãi trên lý giải sự kiện lịch sử trên thị trường trái phiếu Đức trong tuần này. Lần đầu tiên, lợi tức trái phiếu Đức thời hạn 10 năm xuống âm, đồng nghĩa với việc mọi người đang lo lắng đến mức sẵn sàng mất một ít tiền để nắm giữ trái phiếu chính phủ vốn an toàn.
“Thị trường đang chối bỏ bài thuốc lãi suất âm”, giám đốc điều hành Gundlach của hãng đầu tư trái phiếu DoubleLine Capital nói.
Ngân hàng không cho vay nhiều
Những nhà băng châu Âu cũng hành động hệt như người tiêu dùng: họ tích trữ tiền mặt.
“Lãi suất âm khiến các ngân hàng không thể kiếm tiền”, ông Gundlach nói. Cổ phiếu Deutsche Bank giảm 40% trong năm nay vì giới đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính. Lo ngại về chuyện Brexit, tức nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), chỉ thêm vào bất lợi cho các ngân hàng châu Âu.
Ông Achleitner cho rằng ngân hàng châu Âu vẫn chưa phục hồi sau đợt khủng hoảng tài chính như ngân hàng Mỹ. Các nhà băng khu vực này vẫn không có đủ tiền mặt trong dự trữ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp theo và đáp ứng nhiều yêu cầu mới của ECB.
Vì vậy, khi ECB bắt đầu đi theo đường hướng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nới lỏng định lượng, cố gắng đẩy nhiều tiền hơn vào nền kinh tế, các ngân hàng châu Âu nắm tiền mặt. Họ không thay đổi và cho vay.
“Chúng ta chỉ có thể đi đến kết luận rằng có lẽ chúng ta không thể quản lý tăng trưởng ngay từ đầu”, Achleitner nói. Ông cho hay khu vực tư nhân và đầu tư mạo hiểm cần nỗ lực thêm nữa.
Tuy nhiên Chủ tịch ECB Mario Draghi không đồng ý. Ông chỉ ra việc các nhà băng khu vực đang cho vay nhiều hơn: “Nhìn chung, các biện pháp chính sách tiền tệ có mặt từ tháng 6.2014 cải thiện rõ rệt điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình”.

tin liên quan

ECB đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thực hiện điều chưa từng làm là mua vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây là nỗ lực mới nhất của họ trong trận chiến tuyệt vọng nhằm khởi động tăng trưởng ở eurozone.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.