Nỗi lo Trung Quốc khiến kinh tế thế giới suy thoái bị thổi phồng

27/01/2016 14:00 GMT+7

Trung Quốc không phải là yếu tố gây ra đợt suy thoái kinh tế thế giới mới. Đây là nhận định của ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America (BofA).

Trung Quốc không phải là yếu tố gây ra đợt suy thoái kinh tế thế giới mới. Đây là nhận định của ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America (BofA).

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
Theo Bloomberg, ngân hàng Merrill Lynch mới đây tập trung những chuyên gia hàng đầu lại để nghiền ngẫm “34 câu hỏi về kinh tế Trung Quốc mà bạn sợ phải hỏi”.
Các chuyên gia kết luận rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ không “hạ cánh cứng” và chính phủ nước này có thể kiểm soát được những rủi ro phát sinh từ thị trường tài chính bất ổn. Trong lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến giới đầu tư mất niềm tin, điều này cũng sẽ không gây tác động tiêu cực và có sức lan tỏa lớn lên nền kinh tế toàn cầu dựa trên các phân tích số liệu thương mại, danh mục đầu tư và kênh hàng hóa.
“Chúng tôi không cho là chuyện tăng trưởng chậm của Trung Quốc có tác động lan tỏa lớn đến nhiều thị trường phát triển nói chung, nhưng chắc chắn có một số nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các nước khác”, nhà kinh tế Mỹ Michael Hanson cho biết.
Lo ngại về tác động kinh tế Đại lục xuất phát từ miếng bánh gia tăng của nước này trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn đã đạt 1,3 điểm phần trăm trong năm 2015, theo BofA. Những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất là các nước xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, như Hàn Quốc, và các nhà sản xuất hàng hóa, như Úc.
Nhóm nước Đông Nam Á có thể cảm thấy gánh nặng thông qua các khoản vay xấu từ những đơn vị vay tiền phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sản xuất hàng hóa.
Trong phân tích, BofA chỉ ra rằng kinh tế Mỹ lẫn các nước châu Âu đều không trải thời gian suy giảm đáng kể từ thời khủng hoảng tài chính châu Á 1997, 1998.
“Trung Quốc hôm nay lớn hơn một loạt các nước rơi vào khủng hoảng ở thời điểm đó, nhưng điều quan trọng không phải là kích thước khu vực kinh tế trải qua cú sốc mà là kích thước và chi tiết các cú sốc. Cú sốc nhỏ hôm nay có thể được hấp thu mà không gặp vấn đề lớn nào”, ông Hanson viết.
Đây là dự báo khá lạc quan từ ngân hàng Mỹ, trong bối cảnh số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây trái chiều và tiền tệ cùng thị trường chứng khoán nước này khởi đầu năm mới không suôn sẻ. Hôm 26.1, chứng khoán Trung Quốc rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng do các lo ngại về luồng vốn thoái gia tăng.
Vốn thoái khỏi Đại lục đạt đến 1.000 tỉ USD trong năm 2015, gấp 7 lần so với cả năm 2014, theo số liệu từ Bloomberg Intelligence. Phần lớn lý do cho việc này là nỗi lo nhân dân tệ sẽ yếu hơn nữa. Nội tệ Trung Quốc hạ đến mức thấp nhất trong 5 năm qua hồi đầu tháng này, nâng mức giảm trong vòng một năm qua lên hơn 5%.
Ngược lại với dự báo của BofA, triển vọng ảm đạm về kinh tế Trung Quốc được nhà đầu tư George Soros đưa ra. Ông cho rằng quốc gia Đông Á đang tiến đến “hạ cánh cứng”, việc sẽ làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát toàn cầu. Willem Buiter, chuyên gia tại Citigroup, cho hay thế giới sẽ có tăng trưởng như thời suy thoái kinh tế, với ít hơn 2% trong năm nay, vì Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.