Nỗi lo chanh dây

31/03/2016 05:48 GMT+7

Thực trạng người dân Gia Lai ồ ạt trồng chanh dây đang khiến nhiều nhà quản lý lo ngại. Giá chanh dây đang lên ở mức 56.000 đồng/kg nên nhiều nông dân đua nhau trồng, đẩy diện tích loại cây này lên hơn 230 héc ta.

Thực trạng người dân Gia Lai ồ ạt trồng chanh dây đang khiến nhiều nhà quản lý lo ngại. Giá chanh dây đang lên ở mức 56.000 đồng/kg nên nhiều nông dân đua nhau trồng, đẩy diện tích loại cây này lên hơn 230 héc ta.

Người dân chỉ làm phép tính đơn giản: Cứ mỗi héc ta chanh dây, trồng trong 3 - 4 tháng là có thể thu hoạch, với giá hiện tại sẽ mang về 300 - 400 triệu đồng, trong khi chi phí trồng chỉ khoảng 150 triệu đồng. Thấy lợi lớn, nhiều người đã chặt bỏ các loại cây khác để trồng chanh dây.
Thế nhưng, hiện chưa có tài liệu tin cậy nào về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh cho chanh dây được công bố. Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, lo ngại: “Chanh dây là loại cây thân leo đỏng đảnh. Nó mà phát bệnh là khó có thuốc đặc trị. Lo nữa là bệnh từ chanh dây có thể lây lan sang các loại cây trồng khác. Lúc đó càng gay…”.
Trước đó tại tỉnh Đắk Nông, nhiều vườn chanh dây từng bị mắc bệnh nấm trắng, úng rễ, nám bã trầu khiến cây chết, rụng quả hàng loạt. Chưa kể, thời điểm giữa năm 2014, từ mức hơn 22.000 đồng/kg chanh dây rớt giá chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg khiến nông dân nơi đây “méo mặt”. Nhưng bài học nhãn tiền đó vẫn không khiến nhiều nông dân Gia Lai chùn bước.
Hiện toàn bộ giống chanh dây đang trồng ở Gia Lai được giới thiệu là của Trung Quốc và việc tiêu thụ sản phẩm cũng từ phía này. Các đại lý, thương lái thu mua ở VN xét cho cùng chỉ là một mắt xích phụ thuộc. Khi giá bị phía người mua áp đặt và ghim xuống, nông dân sẽ lãnh đủ.
Đặc biệt, mùa mưa Tây nguyên kéo dài gần nửa năm, thời điểm thích hợp cho các loại bệnh, nấm phát triển, lây lan. Nếu chanh dây mắc bệnh, lan sang các loại cây trồng khác trong khi chưa có thuốc đặc trị thì đúng là tai họa với khu vực có các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu... Còn mùa khô kéo dài, muốn chanh sai quả phải tưới nhiều nước trong khi biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, đang rất khó khăn về nguồn nước tưới.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phân tích kỹ hơn những nguy cơ từ việc phát triển ồ ạt; tư vấn thêm cho người dân cách trồng, biện pháp phòng chống sâu bệnh...
Đặc biệt, cần nắm thông tin đầu mối tiêu thụ, khuyến cáo nông dân ký hợp đồng, yêu cầu đặt cọc... để tránh tình trạng “nắm dao đằng lưỡi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.