Nỗ lực hạ tiếp lãi suất cho vay

Anh Vũ
Anh Vũ
23/09/2020 06:27 GMT+7

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 , từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tăng thêm room (hạn mức) tín dụng và phấn đấu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu

Sáng 22.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng năm 2020 và định hướng những tháng cuối năm. Theo báo cáo của cơ quan này, trong bối cảnh dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Đồng thời, NHNN giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân.
Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16.9 chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019.
Trả lời báo chí tại cuộc họp, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, chủ trương xuyên suốt của NHNN thời gian tới là cố gắng phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Chính vì vậy, trong điều hành luôn điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi cho TCTD có nguồn để cung cấp tín dụng, hạn chế phải tăng lãi suất huy động. Trường hợp cần thiết tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để làm sao có nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho vay với lãi suất ưu đãi. NHNN sẽ xem xét, cân nhắc nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng khi có đề nghị.
Về điều hành lãi suất, vẫn theo bà Hồng, ngân hàng T.Ư các nước trên thế giới trong thời gian đại dịch Covid-19 có 185 lượt giảm lãi suất. Đối với NHNN, nếu tính từ cuối năm 2019 đã có 4 lượt giảm lãi suất điều hành. “Người dân gửi tiền muốn lãi cao, DN muốn vay với lãi thấp. Do đó, khi điều hành, NHNN sẽ phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, bám sát mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Quốc hội đề ra, hài hòa lợi ích, đảm bảo an toàn hệ thống và chọn thời điểm phù hợp để giảm lãi suất”, bà Hồng cho biết thêm.

Miễn, giảm, hạ lãi suất trên dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng

Liên quan đến tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hệ thống các TCTD đã vào cuộc kịp thời, khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng và đạt được những kết quả tích cực.
Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01), đến ngày 14.9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 1,6 triệu tỉ đồng cho 310.000 khách hàng.
Định hướng cụ thể điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, NHNN cho biết sẽ chỉ đạo TCTD triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.