Nỗ lực duy trì chuỗi sản xuất

31/05/2021 05:59 GMT+7

Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nỗ lực duy trì chuỗi sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ điện tử cho các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam.

Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ điện tử cho các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Hồng Hải (Foxconn), LG, Nokia... nên Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

Không để ảnh hưởng chuỗi sản xuất toàn cầu

Không chỉ là cứ điểm của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, Việt Nam (VN) còn là đầu mối của hàng trăm công ty vệ tinh, đối tác khác cho các tập đoàn lớn như Apple. Trong đó, chỉ riêng Samsung VN đã cung cấp khoảng 50% số lượng điện thoại và máy tính bảng của tập đoàn này trên toàn cầu. Ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn năm 2020, khẳng định công suất tại VN lớn hơn ở Ấn Độ và VN là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn ở Đông Nam Á. Do đó, việc dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại các KCN của Bắc Giang, Bắc Ninh có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất toàn cầu.
Xác định rõ tầm quan trọng đó, Chính phủ đã tập trung bằng nhiều giải pháp để từng bước đưa các DN đang bị tạm ngưng vào sản xuất trở lại. Cụ thể, theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, trong 2 ngày 29 - 30.5 có 9 DN ở các KCN bắt đầu hoạt động trở lại, trong đó có 2 DN của Tập đoàn kỹ thuật Hồng Hải và một nhà cung cấp của Samsung. Tổng cộng đến nay, tổ công tác của tỉnh cũng đã tổ chức thẩm tra điều kiện và hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho 15 DN với khoảng 14.000 lao động để sẵn sàng hoạt động trở lại. Các ngành chức năng sẽ tiếp tục hướng dẫn các DN còn lại hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn.
TS Trần Du Lịch: “Những giải pháp đã thực hiện khá tích cực. Nếu được, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh cho công nhân ở tất cả các KCN trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp cho hoạt động sản xuất của các KCN không bị gián đoạn và nền kinh tế không bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, các nhà máy của Tập đoàn Samsung VN tại KCN ở Bắc Ninh hiện vẫn hoạt động bình thường. Đại diện Samsung VN cho biết công ty đã và đang nỗ lực bảo vệ sức khỏe của nhân viên và người dân địa phương, đồng thời đảm bảo ổn định sản xuất, hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Công ty đã áp dụng các biện pháp phòng dịch cơ bản như kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng ra vào, khử trùng tại tất cả các khu vực trong nhà máy, đảm bảo giãn cách an toàn giữa các nhân viên, lắp đặt vách ngăn tránh tiếp xúc trực tiếp tại khu vực nhà ăn hay phòng họp, vận hành khu vực khám sàng lọc trong và ngoài nhà máy. Gần đây, trước sự lây lan của dịch bệnh, Samsung VN đã tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như gia tăng số lượng nhân viên làm việc ở nhà và nhân viên lưu trú làm việc tại nhà máy; tiến hành xét nghiệm Covid-19 với quy mô lớn; cấp phát khẩu trang phòng dịch KF-94/KN-95 miễn phí cho nhân viên; thực hiện khai báo y tế hằng ngày cho toàn bộ nhân viên thông qua hệ thống điện tử nội bộ...

“Nhiệm vụ tiên quyết”

Ngoài những giải pháp đã thực hiện để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh lây lan ở các KCN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo ưu tiên và Bộ Y tế cam kết trong vòng 7 - 10 ngày tới sẽ hoàn tất tiêm xong 200.000 liều vắc xin đã được phân bổ tại Bắc Giang, Bắc Ninh.

Bắc Ninh sẽ có quy chế vừa cách ly vừa sản xuất trong KCN

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.120 DN nằm trong 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450.000 công nhân. Tính đến hết ngày 29.5, đã ghi nhận 176 ca mắc tại 49 DN; riêng 2 ngày 28, 29.5 ghi nhận 27 ca mắc tại 5 công ty.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn công ty, đối tượng tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho các cụm công nghiệp, KCN trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức cho người lao động ở tạm trong DN để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây dịch, nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, điện nước, chiếu sáng, thông gió, vệ sinh, an toàn thực phẩm... Căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất, phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy, đồng thời xem xét tạm dừng các dây chuyền sản xuất không cần thiết để giảm tối đa số lượng công nhân đi làm.
Bắc Ninh đang khẩn trương xây dựng “Quy chế phối hợp tạm thời quản lý người lao động và người nước ngoài ở tạm trong các DN/nhà máy vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, xây dựng phương án cách ly công nhân tại nhà trọ, tăng cường quản lý ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tiếp xúc với cộng đồng.
Tuệ Nguyễn
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong cuộc họp trực tuyến mới đây về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo thêm một số thông tin rất quan trọng như chủng mới có tốc độ lây lan cực nhanh và nguy hiểm. Cách thông tin minh bạch giúp người dân và DN hiểu rõ tình hình dịch bệnh, không chủ quan nhưng không hoảng loạn là thành công của Chính phủ hiện tại. Khi ý thức chống dịch của người dân cao hơn, việc vừa chống vừa bảo đảm cho kinh tế phát triển, đặc biệt không để đứt gãy chuỗi sản xuất là “nhiệm vụ tiên quyết” được đặt ra cho toàn dân. “Khi chuỗi sản xuất vẫn được duy trì, công nhân có việc làm thì hoạt động kinh tế mới tăng trưởng được”, bà Lan nhấn mạnh.
Cũng có quan điểm tương tự, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đợt dịch Covid-19 lần này nguy hiểm hơn, tác động vào nền kinh tế của VN lớn hơn vì diễn ra ở các KCN. Nếu việc sản xuất, hàng hóa giao cho nước ngoài bị chậm trễ thì không chỉ ảnh hưởng đến hợp đồng hiện tại mà các DN bị thiệt hại kéo dài, có thể mất đối tác trong những năm sau. Hiện nhiều ngành nghề đều tập trung sản xuất tại các KCN rất lớn. Chính phủ đã nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề nên kịp thời đưa ra nhiều giải pháp tích cực, toàn lực ngăn chặn dịch bệnh tại các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh và hy vọng các DN đều sớm trở lại hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.