Những thẻ tín dụng 'uy lực' nhất thế giới

31/05/2015 08:37 GMT+7

Với giới siêu giàu, nếu ai đó khoe một xấp tiền dày cộm thì chẳng khác nào tự làm trò cười, bởi đơn giản nhiều chiếc thẻ tín dụng ngày nay cho phép chi trả những khoản khổng lồ, kèm theo hàng loạt đặc quyền mà đôi khi dùng tiền cũng không mua được.

Với giới siêu giàu, nếu ai đó khoe một xấp tiền dày cộm thì chẳng khác nào tự làm trò cười, bởi đơn giản nhiều chiếc thẻ tín dụng ngày nay cho phép chi trả những khoản khổng lồ, kèm theo hàng loạt đặc quyền mà đôi khi dùng tiền cũng không mua được.

Chiếc thẻ dành cho những tiểu vương siêu giàu ở thế giới Ả Rập - Ảnh: Mostexpensivelist
Chiếc thẻ dành cho những tiểu vương siêu giàu ở thế giới Ả Rập - Ảnh: Mostexpensivelist
Tất nhiên, số người được sở hữu những chiếc thẻ như thế không nhiều, và theo trang The Richest thì chỉ dành cho khoảng 1% dân số thế giới. Với số người giàu có này, thẻ tín dụng còn để thể hiện đẳng cấp. Gần đây, The Richest giới thiệu những loại thẻ “uy lực” nhất trong số này.
American Express Centurion
Ra đời từ năm 1999, đến nay, loại thẻ này vẫn được đánh giá là số 1, dù Tập đoàn American Express chưa bao giờ công bố điều kiện chi tiết cho những ai muốn sở hữu. Tuy nhiên, theo một số thông tin lọt ra, muốn sở hữu American Express Centurion thì phải có khoảng 1 năm từng dùng thẻ American Express Platinum, vốn cũng là một loại thẻ “siêu sang”, và chi trả hết khoảng 250.000 USD (hơn 5 tỉ đồng) trong một năm.
American Express Centurion được đánh giá là số 1 thế giới về thẻ tín dụng - Ảnh: Pengeportalen
American Express Centurion được đánh giá là số 1 thế giới về thẻ tín dụng - Ảnh: Pengeportalen
Phí mở thẻ American Express Centurion lên đến 5.000 USD (khoảng 110 triệu đồng) và phí duy trì hằng năm là 2.500 USD (khoảng 55 triệu đồng). Đổi lại, bạn được chi tiêu gần như không giới hạn, mà như American Express giới thiệu thì chủ nhân của loại thẻ này đủ sức mua sạch hàng hóa trong một cửa hàng mua sắm hạng sang tại New York (Mỹ). Không những thế, thẻ còn cho phép bạn đổi hạng vé máy bay, hạng phòng khách sạn, dịch vụ ưu đãi thuê máy bay...
JP Morgan Chase Palladium
Ra đời sau American Express Centurion gần 10 năm, thẻ JP Morgan Chase Palladium được làm bằng vàng và các chi tiết được khắc bằng công nghệ laser. Điểm nổi bật của nó chính là chỉ dành cho những khách hàng “sộp” nhất có quan hệ đầu tư với JP Morgan Chase và sẽ được chi tiêu không giới hạn. Thêm vào đó là chương trình điểm thưởng hấp dẫn cùng hàng loạt ưu đãi nhưng phí mở thẻ chỉ 595 USD (khoảng 12 triệu đồng).
Dubai First Royal MasterCard
Đúng phong cách của các tiểu vương Ả Rập, chiếc thẻ này cũng chỉ dành cho những người giàu có bậc nhất. Nó được làm bằng vàng ở hai bên và đính một viên kim cương ở giữa. Tất nhiên, Dubai First Royal MasterCard cũng cho phép chi tiêu không giới hạn, và ưu điểm nổi bật của nó chính là chủ nhân có thể tiếp cận các dịch vụ chỉ dành cho những người giàu có, quyền quý bậc nhất của thế giới Ả Rập hoặc các tài phiệt thế giới.
Stratus Rewards Visa
Với mức phí khoảng 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng) mỗi năm, chiếc thẻ có màu trắng sang trọng này không chỉ cho phép bạn chi tiêu thoải mái, mà còn có đặc quyền tiếp cận các dịch vụ thuê máy bay riêng, thuê xe limousine, nâng cấp hạng phòng ở khách sạn... Tất nhiên, giống như các loại thẻ trên, công ty cấp thẻ sẽ kiểm tra nghiêm ngặt về khả năng tài chính, thu nhập của khách hàng.
Coutts World Silk
Đây chính là chiếc thẻ nằm trong ví của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Coutts là một công ty tài chính và chuyên quản lý tài sản cho những người giàu có. Điều kiện cơ bản để sở hữu thẻ Coutts World Silk là phải có khoản tiền gửi hoặc tài sản ủy thác lên đến 1 triệu USD (khoảng 21 tỉ đồng) tại Coutts. Đổi lại, chủ nhân của nó sẽ được sử dụng miễn phí phòng VIP ở nhiều sân bay trên toàn thế giới, thuê xe, ở khách sạn hạng sang cũng nhận nhiều ưu đãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.