Những công trình thế kỷ: Giải thưởng cho người thực hiện cáp treo Fansipan

16/04/2016 07:50 GMT+7

Khi chiếc cabin lao ra giữa không trung, tiếng trầm trồ bắt đầu nổi lên. Người phụ nữ đứng trước mắt tôi kêu lên thán phục "đẹp quá, hùng vĩ quá".

Khi chiếc cabin lao ra giữa không trung, tiếng trầm trồ bắt đầu nổi lên. Người phụ nữ đứng trước mắt tôi kêu lên thán phục "đẹp quá, hùng vĩ quá".

Mỗi ngày có hàng ngàn người đi cáp treo lên đỉnh Fansipan - Ảnh: Trung HiềnMỗi ngày có hàng ngàn người đi cáp treo lên đỉnh Fansipan - Ảnh: Trung Hiền
Họ hỏi nhau về tên loài hoa màu đỏ nở quanh triền núi, về loài cây "trông giống cây tùng" mọc san sát phía dưới. Một giọng nói chen ngang "không có cáp treo, chẳng bao giờ mình có thể đặt chân lên đỉnh Fansipan". Những chiếc máy điện thoại giơ lên "nháy" liên tục...
Đó là những câu chuyện xảy ra trong cabin chở chúng tôi lên đỉnh Fansipan cuối tháng 3 vừa rồi.
Cú hích cho Lào Cai
Một người bạn của tôi kể, chị đã đưa mẹ và con lên Fansipan bằng cáp treo đợt tết vừa rồi. Người mẹ 68 tuổi, bé con 10 tuổi và chị 40 tuổi, 3 thế hệ khác nhau nhưng cùng có chung một cảm xúc yêu quê hương, đất nước mình hơn sau khi được ngắm cảnh núi non hùng vĩ từ đỉnh Fansipan. Đó cũng là cảm xúc của hầu hết mọi người khi đặt chân đến đây và cũng là giá trị không thể đo đếm được mà dự án mang lại.
Cáp treo Fansipan đi vào hoạt động đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng. Các chuyên gia và các công ty du lịch đều cho rằng, đây là một điểm đến đặc sắc để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, mỗi ngày có vài ngàn khách, thậm chí có ngày có tới 5.000 khách lên Fansipan.
Hiện mỗi ngày cáp treo đón hàng ngàn người tới đây thực hiện ước mơ đặt chân lên "nóc nhà Đông Dương". Khách du lịch tăng đột biến, khí hậu mát mẻ quanh năm kéo theo hàng loạt nhà đầu tư bất động sản đã và đang triển khai các dự án khách sạn, nhà nghỉ tại Sa Pa để đón đầu cơ hội. Hàng loạt dịch vụ tiện ích, các sản phẩm mới cũng đã ra đời để khai thác các cơ hội từ cáp treo, mang lại cho ngân sách tỉnh một nguồn thu không nhỏ. Đặc biệt, dự án còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Trong gần 500 nhân viên đang làm việc tại cáp treo Fansipan của Sun Group, phần lớn là người Lào Cai. Cô gái tên Minh, hướng dẫn chúng tôi lên Fansipan, cho biết cô học thương mại ở Hà Nội, ra trường ở lại xin việc tại thủ đô nhưng vất vưởng suốt hơn 2 năm vẫn không ổn định. Khi có cáp treo, cô trở về Lào Cai và vào làm ở phòng kinh doanh của công ty này. "Được sống gần bố mẹ, không phải thuê nhà lại có công việc, lương ổn định. Em mừng quá chị ạ", Minh vui vẻ nói với tôi.
Theo một chuyên gia kinh tế, cáp treo Fansipan thực sự trở thành một cú hích, biến Sa Pa tiềm năng trở thành một vùng đất vàng về du lịch và đầu tư.
Vượt qua giới hạn bản thân
Lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Sun Group chia sẻ, đỉnh Fansipan là nơi linh thiêng, vì thế ngoài nhà ga cho khách nghỉ chân ăn uống, sẽ chỉ có vài quán trà đạo dưới chân các ngôi chùa để khách thưởng trà trong không khí thanh tịnh.
"Lên đây là lên với đất Phật nên ở trên này chỉ xây chùa và tượng Phật. Chúng tôi sẽ không triển khai bất cứ một loại hình kinh doanh nào ở trên này", anh nói.
Tôi tin anh, tin những tâm huyết của anh. Bởi nếu lấy lợi nhuận làm tôn chỉ, chắc chắn không một doanh nghiệp nào chọn dự án này. Hãy thử một phép tính đơn giản, với tổng vốn đầu tư 4.400 tỉ đồng, lãi vay trung bình 11%/năm, chỉ riêng tiền lãi mỗi tháng đã hơn 40,3 tỉ đồng, chưa kể tiền gốc, chưa kể tiền lương của gần 500 cán bộ công nhân viên đang vận hành cáp và chăm sóc khách hàng. Trong khi tiền bán vé trung bình 500.000 đồng/người (600.000 cho người lớn và 400.000 cho trẻ em cao từ 1 - 1,3 m), hiện mỗi ngày có từ 2.000 - 3.000 khách, doanh thu từ bán vé từ 1 - 1,5 tỉ đồng/ngày, tương đương từ 30 - 45 tỉ đồng/tháng.
Đây là kết quả không hề hấp dẫn nếu lấy lợi nhuận làm tiêu chí. Nhưng với những con người của Sun Group, họ thực hiện công trình này để "giới thiệu niềm tự hào về đất nước mình với tất cả mọi người trên thế giới"; đó là khát vọng về một công trình mang dấu ấn vượt thời gian, một công trình để hiện thực hóa ước mơ đặt chân lên đỉnh cao nhất của Tổ quốc của hàng triệu người dân VN.
Đến tận lúc này, vẫn còn một số ý kiến "oán trách" cáp treo đã "kết liễu" ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương của họ. Nhưng ước mơ này không chỉ dành cho những người có đủ sức khỏe, đủ bản lĩnh, đủ tính can trường để đi bộ theo đường rừng núi non hiểm trở. Hàng triệu người đã lớn tuổi, những phụ nữ tay yếu, chân mềm; những người không đủ sức khỏe, thậm chí mang trong mình bệnh tật và ngay cả những người không thích phải đi bằng đường bộ hiểm trở... cũng khao khát một lần được chạm tay vào cột mốc xác lập đỉnh cao nhất Đông Dương. Cáp treo Fansipan đã biến ước mơ của họ thành hiện thực. Còn với những người thích chinh phục, đường bộ hiểm trở vẫn còn đó, đỉnh núi vẫn còn đó, hoa đỗ quyên vẫn còn đó... Có cáp treo chỉ là có thêm một sự lựa chọn về phương tiện để lên đỉnh Fansipan. Và mỗi người đều có quyền chọn tiếp cận giấc mơ theo cách của riêng mình.
Để thực hiện bộ phim Trở về từ cõi chết, nam tài tử người Mỹ Leonardo DiCaprio đã trải qua những tháng ngày đóng phim trong nhiệt độ âm 25 - 40o C, ngủ trong xác thú, ăn đồ sống... và anh đã được phần thưởng xứng đáng, tượng vàng Oscar danh giá mà bất cứ người nghệ sĩ nào trên thế giới cũng mơ ước một lần được chạm tay vào.
Hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia của Sun Group cũng đã sống và làm việc trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, tiện nghi thiếu thốn, công việc vất vả, rủi ro thường trực. Họ đã đánh đổi sức khỏe, máu và nước mắt để thực hiện dự án cáp treo Fansipan. Với họ, việc vượt qua giới hạn của bản thân, giúp hàng triệu người đặt chân lên đỉnh Fansipan và cắm ngọn cờ khẳng định chủ quyền ở "nóc nhà Đông Dương" mới chính là giải thưởng danh giá nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.