Những cổ phiếu tăng 'sốc' sau 10 tháng

Mai Phương
Mai Phương
04/11/2018 13:00 GMT+7

Dù cả hai chỉ số chứng khoán đều giảm điểm so với đầu năm nhưng vẫn có những cổ phiếu lội ngược dòng, tăng gấp 5-7 lần.

Tính đến nay, chỉ số VN-Index đang ở mức 924,86 điểm, giảm 59,38 điểm so với phiên cuối cùng năm 2017, tương ứng giảm 6%. Tương tự, chỉ số HNX-Index hiện ở mức 105,75 điểm, giảm mất 11,11 điểm, tương ứng giảm 9,5% so với phiên cuối cùng năm 2017. Hay chỉ số UPCoM-Index đang ở mức 51,74 điểm cũng giảm đi 3,17 điểm, tương ứng giảm gần 6%. Trong xu hướng giảm chung của thị trường, đa số các cổ phiếu trên sàn đều giảm giá. Thế nhưng vẫn có một số cổ phiếu lội ngược dòng khi tăng gấp nhiều lần.
Có thể kể đến như ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang trên sàn TP.HCM. Với mức giá đóng cửa cuối năm 2017 là 8.100 đồng/phiếu thì đến nay ACL đang có giá 29.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng 258%. Công ty này đạt kết quả kinh doanh nhảy vọt sau 9 tháng năm nay với lợi nhuận sau thuế đạt 147,35 tỉ đồng, gần gấp 7 lần lợi nhuận đạt được so với cùng kỳ năm ngoái và đã vượt 320% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (35 tỉ đồng). Một cổ phiếu khác cũng thuộc nhóm ngành thủy sản là ANV của Công ty cổ phần Nam Việt đã nhảy vọt từ giá 11.050 đồng/cổ phiếu lên 25.950 đồng/cổ phiếu, tăng gần 135%. Nam Việt đạt lợi nhuận sau thuế đến hết tháng 9.2018 là 303,4 tỉ đồng, gần gấp 4 lần lợi nhuận cùng kỳ năm trước và cũng vượt mức chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Một cổ phiếu khác là TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ lên gần gấp đôi từ giá 11.800 đồng/cổ phiếu lên mức 21.250 đồng/cổ phiếu hiện nay. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu khác như VSI của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước, VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, NVT của Công ty cổ phần Ninh Vân Bay... cũng có mức tăng gần gấp đôi trong thời gian trên.
Trên sàn Hà Nội, những cổ phiếu liên tục đi lên có SRA của Công ty cổ phần Sara Việt Nam từ giá 8.500 đồng nay lên mức 61.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 616%. Hoặc cổ phiếu CAG của Công ty cổ phần Cảng An Giang từ 15.900 đồng/cổ phiếu nay lên giá 107.100 đồng/cổ phiếu, tăng 573%. Một số công ty khác cũng có mức tăng trên 100% như AME của Công ty cổ phần Alphanam E&C từ giá 4.300 đồng/cổ phiếu lên 13.700 đồng/cổ phiếu; ARM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng không từ giá 25.000 đồng/cổ phiếu lên 53.500 đồng/cổ phiếu; BST của Công ty cổ phần sách thiết bị Bình Thuận từ giá 11.600 đồng/cổ phiếu lên đạt 32.000 đồng/cổ phiếu...
Nhưng tăng “sốc” nhất là một số cổ phiếu trên sàn UPCoM như ASD của Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội từ mức 700 đồng/cổ phiếu nay lên 6.500 đồng/cổ phiếu, mức tăng 828% dù không có nhiều thông tin gây đột biến trong kinh doanh. Hay BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết từ giá 2.300 đồng/cổ phiếu nay đạt mức 17.600 đồng/cổ phiếu, tăng 665%. Đặc biệt, BBT chỉ mới đưa vào giao dịch giữa tháng 6.2018 đến nay, có nghĩa là thời gian giao dịch chỉ mới hơn 4 tháng. Hơn nữa, công ty này vẫn đang trong tình trạng nợ nần lớn và đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi nhà xưởng, máy móc...
Một số cổ phiếu khác trên UPCoM tăng mạnh thời gian qua còn có mã HFT của Công ty cổ phần chứng khoán HFT (tiền thân là Công ty chứng khoán Mê Kông) từ giá niêm yết 8.000 đồng/cổ phiếu nay lên 41.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 417%; cổ phiếu VGL của Công ty cổ phần Mạ kẽm công nghiệp Vingal-Vnsteel cũng tăng từ 5.700 đồng/cổ phiếu lên 23.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 300%; mã KIP của Công ty cổ phần K.I.P Việt Nam từ giá 16.000 đồng/cổ phiếu nay đạt 39.900 đồng/cổ phiếu, tăng 149%...
Tuy nhiên giao dịch của nhiều cổ phiếu tăng khủng ở trên hầu như khá èo uột, thậm chí liên tục nhiều phiên liền không có ai mua bán. Vì vậy mức tăng này chỉ mang lại mức lãi cho các cổ đông cũ hoặc cán bộ nhân viên công ty hơn là các nhà đầu tư trên thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.