Những chính sách mới đáng chú ý trong tháng 12

30/11/2015 15:33 GMT+7

Cổng thông tin điện tử của chính phủ ngày 30.11 công bố các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12, đáng chú ý là quy định mới về thu học phí, góp vốn vào bất động sản; mua nhà ở xã hội...

Cổng thông tin điện tử của chính phủ ngày 30.11 công bố các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12, đáng chú ý là quy định mới về thu học phí, góp vốn vào bất động sản; mua nhà ở xã hội...

 Quy định mới về cơ chế thu học phí
Sinh viên đóng học phí - Ảnh: Hà Ánh
Từ 1.12, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 sẽ ở mức từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.
Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Đây là nội dung từ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10 của chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Doanh nhiệp nhà nước không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng
Người dân đến giao dịch tại ngân hàng Đông Á - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13.10 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1.12, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản).
DNNN cũng sẽ không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư
Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10.12, trong đó quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.
Mua nhà ở xã hội được vay 80% giá trị hợp đồng
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá ở Hà Nội - Ảnh: Lê Quân
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10.12, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
2 trường hợp nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư
Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20.10 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 10.12, Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 2 trường hợp:
1. Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của luật Nhà ở.
2. Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại.
Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính
Cũng tính từ đầu tháng 12, DNNN có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính như sau:
1. Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.
Những điều kể trên được nêu trong Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6.10 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Quy định mới về gia hạn hộ chiếu
Theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16.10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17.8.2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1.12, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm (tại Nghị định 65/2012/NĐ-CP là 6 tháng) thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Nghị định 93/2015/NĐ-CP ngày 15.10 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có hiệu lực từ 1.12 quy định doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện như sau:
1. Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
3. Được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Quản lý chặt giá dịch vụ phi hàng không
Có hiệu lực từ ngày 12.12, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20.10 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không phải đảm bảo giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ. Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không; kiểm tra yếu tố hình thành giá, trường hợp cần thiết quy định giá hoặc khung giá...
Quy định rõ thẩm quyền Cảnh sát môi trường
Theo Nghị định 105/2015/NĐ-CP ngày 20.10 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực từ ngày 5.12, cảnh sát môi trường có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Lực lượng này còn được áp dụng các biện pháp công tác và các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm...
Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
Có hiệu lực từ ngày 25.12, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 9.11 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14.3.2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013. Cụ thể, Nghị định 114/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung về quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Đầu tư
Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12.11.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 27.12.2015, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp đảm bảo đầu tư; ưu đãi đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư; thủ tục đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.