Nhọc nhằn chuyển mạng giữ số

Mai Phương
Mai Phương
10/04/2019 06:58 GMT+7

Quy định thời gian thực hiện chuyển mạng trong vòng tối đa 2 ngày, nhưng nhiều khách hàng vẫn phải chờ rất lâu.

Hơn 60.000 khách hàng bị từ chối

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), trong tuần từ ngày 1 - 7.4, tỷ lệ thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) thành công của các nhà mạng khi chuyển đi đạt từ 25,1 - 60,8% và tỷ lệ chuyển đến thành công từ 33,3 - 59,1%.
Cụ thể, nhà mạng Vietnamobile đạt tỷ lệ thành công chiều chuyển đi là 25,1%, MobiFone đạt 33,6%, VNPT VinaPhone đạt 40,6% và Viettel đạt 60,8%. Tính tổng cộng từ khi thực hiện dịch vụ này từ ngày 16.11.2018 - 7.4.2019, có 285.463 khách hàng đăng ký chuyển mạng. Kết quả đã có 206.570 thuê bao di động được chuyển mạng giữ số. Tỷ lệ thực hiện thành công thấp nhất chiều chuyển đi vẫn là nhà mạng Vietnamobile khi chỉ đạt 47,3%, kế tiếp là MobiFone có tỷ lệ 50,4%, VinaPhone đạt 71,7% và Viettel đạt 86,5%. Nhìn chung, tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thành công của các nhà mạng đều đã tăng so với đầu năm, nhưng vẫn còn quá thấp so với nhu cầu của người tiêu dùng.
Như vậy có 60.698 khách hàng đã bị từ chối cung cấp dịch vụ chuyển mạng. Việc khách hàng bị từ chối chuyển mạng được giải thích có nhiều lý do khác nhau. Ví dụ các lý do như quy định gồm thông tin cá nhân không trùng khớp với thông tin của người đăng ký chuyển mạng, đang còn trong thời hạn hợp đồng bắt buộc với nhà mạng cũ, đang nợ cước...
Nhưng trên thực tế, hầu như các nhà mạng đều áp dụng rất chặt chẽ từ khâu tiếp nhận hồ sơ chuyển mạng. Do vậy, nhiều khách hàng đều cảm thấy khó khăn khi muốn rời mạng. Chẳng hạn thuê bao phải có đầy đủ thông tin xác minh, bao gồm cả ảnh chụp chân dung trùng khớp với dữ liệu của doanh nghiệp đang lưu trữ. Thuê bao chuyển đi không được nợ cước, không đăng ký roaming hoặc đã hủy trên 60 ngày, không vi phạm bất kỳ điều khoản, cam kết nào với nhà mạng gốc. Khách hàng phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian trong quá trình chuyển đổi…
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, người tiêu dùng có quyền khiếu nại ở các cơ quan quản lý nhà nước đối với bất kỳ việc ngăn cản, gây khó khăn nào trong việc sử dụng dịch vụ nói chung hay lĩnh vực viễn thông nói riêng. Thậm chí nếu có chứng cứ việc các nhà mạng gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì khách hàng cũng có thể khiếu kiện.

Sẽ thực hiện chuyển mạng tự động

Dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu được các nhà mạng thực hiện từ giữa tháng 11.2018 cho các khách hàng là thuê bao trả sau. Từ đầu năm nay, các nhà mạng đã đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Dịch vụ này được cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng tạo ra động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là các khách hàng lâu năm.
Dù không có tỷ lệ thống kê nào chính xác, nhưng Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ khách thuê bao chuyển mạng giữ số trung bình trên thế giới là khoảng dưới 5%. Mặc dù vậy, các nhà mạng dường như vẫn không yên tâm, nên gây khó khi khách hàng muốn chuyển sang dịch vụ khác.
Tại cuộc họp giao ban quý 1/2019, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết thời gian qua cơ quan này liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng không cho chuyển mạng. Tổng cộng đã có 1.780 khiếu nại gửi lên đường dây nóng và trang web của Cục Viễn thông. Trong số này, trên 80% lượt khiếu nại thuộc về 2 nhà mạng là MobiFone và Vietnamobile.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc để người dân tự do chuyển mạng giữ số không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc níu chân người dùng muốn chuyển mạng gây nên bức xúc lớn đối với người dân. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết từ ngày 1.5 sẽ ban hành chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70%. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Lúc đó, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp. Ngoài ra, dự kiến đến tháng 8, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công như hiện nay.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Arena, nhận định chưa biết kế hoạch chuyển mạng tự động cụ thể như thế nào, nhưng quan trọng nhất vẫn là cách giám sát của Bộ Thông tin - Truyền thông đối với các nhà mạng. Nếu phát hiện nhà mạng nào cố tình gây khó dễ cho khách hàng thì phải có biện pháp xử phạt mạnh tay. Khi đó mới hy vọng các nhà mạng thay vì ngăn chặn khách hàng rời đi thì sẽ gia tăng chất lượng, cải tiến dịch vụ.
Dịch vụ chuyển mạng giữ số đã được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore, đến nay đã có mặt tại hơn 110 quốc gia và trở thành một xu thế phổ biến của thị trường viễn thông di động phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.