Nhiều nước OPEC đòi họp khẩn

09/08/2016 11:40 GMT+7

Nhiều nước gặp khó trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bồn chồn lo lắng.

Theo CNN hôm 8.8, OPEC công bố kế hoạch tổ chức cuộc họp đột xuất vào cuối tháng sau ở Algeria. Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới nhưng không phải là thành viên OPEC, cũng được chào đón tới cuộc họp “không chính thức” này.
Diễn biến trên thúc đẩy suy đoán rằng các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới có thể công bố những động thái ổn định giá dầu, vốn vừa rơi lại xuống dưới 40 USD/thùng từ mức hơn 50 USD/thùng cách đây hai tháng. Suốt hai năm qua, OPEC hăng hái bơm dầu để giành lại thị phần từ Mỹ.
Thông tin về cuộc họp không chính thức sẽ được diễn ra vào ngày 26 đến 28.9 của OPEC vừa kéo giá dầu tăng 3%, lên mức 43 USD/thùng cùng ngày. Chủ tịch OPEC kiêm Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Bin Saleh Al-Sada khẳng định đợt sụt giảm giá dầu “chỉ là tạm thời” và thị trường đang trên đà hồi phục.
Dù vậy, thông báo chính thức về buổi họp sắp tới cho thấy tình hình bấp bênh mà nhiều nước phụ thuộc vào dầu mỏ đang phải đối mặt. Venezuela, nước có trữ lượng dầu thô được kiểm chứng lớn nhất thế giới, hiện thiếu hụt lương thực nghiêm trọng và có thể cạn tiền mặt trong một năm.
Ngay cả Ả Rập Xê Út, “người anh cả” mạnh mẽ của OPEC, cũng bị buộc phải hạ ngân sách, kéo theo làn sóng cắt giảm việc làm. Tuần trước, Ấn Độ phải đến giải cứu hàng ngàn công dân nước này đang khổ sở ở Ả Rập Xê Út vì mất việc, đói và mắc kẹt trong các trại di cư với điều kiện sống nghèo nàn.
Nga thì đang bị ảnh hưởng kép từ giá dầu thấp và các biện pháp trừng phạt. Nga thậm chí phải giảm chi tiêu quốc phòng, bất chấp các căng thẳng với phương Tây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay ông không nghĩ rằng thỏa thuận đóng băng sản lượng đang sẵn sàng, theo hãng tin Nga Sputnik. Ông Novak cho biết đóng băng sản lượng có thể là động thái cần thiết nếu giá cả tiếp tục giảm và thể hiện thiện ý thảo luận vấn đề này với Ả Rập Xê Út tại Algeria.
Tín hiệu mới về sự hợp tác giữa các nhà sản xuất dầu khí là “biểu hiện của áp lực đáng kể đặt lên một số nhà sản xuất trong khía cạnh kinh tế”, hãng nghiên cứu JBC Energy viết trong báo cáo công bố ngày 8.8.
Giá dầu rẻ cũng gây ra nỗi đau ở bang Texas, Bắc Dakota và những vùng sản xuất dầu mỏ khác của Mỹ. Sản lượng dầu thô Mỹ ở cận mức cao nhất từ trước đến nay, song chậm lại trong năm qua khi giá tuột sâu xuống dưới ngưỡng cần thiết để đem về lợi nhuận.
Việc OPEC sắp tổ chức họp không chính thức không đồng nghĩa với việc các thành viên trong tổ chức này sẽ đồng ý về mức trần hạn ngạch. Các nước trong và ngoài OPEC từng hội đàm về việc này tại Doha (Qatar) hồi tháng 4, nhưng cuối cùng không nhất trí.
“Chúng tôi hoài nghi”, giới chuyên gia tại Brown Brothers Harriman viết, cho biết thêm các nước ít có ảnh hưởng như Venezuela và Ecuador ở ghế sau trong các cuộc đàm phán đóng băng sản lượng gần đây.
Trở ngại lớn nhất có thể đến từ phía Iran, nước từ chối đóng băng hạn ngạch cho đến lúc trở lại ngưỡng sản xuất trước khi chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.