Nhiều khó khăn hơn cho kinh tế châu Á năm 2016

14/12/2015 16:57 GMT+7

Nhiều yếu tố đang kìm tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á trong năm nay không có vẻ là sẽ mất đi nhanh chóng. Thậm chí, nó sẽ còn tệ hơn trong năm sau.

Nhiều yếu tố đang kìm tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á trong năm nay không có vẻ là sẽ mất đi nhanh chóng. Thậm chí, nó sẽ còn tệ hơn trong năm sau, ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cảnh báo.

Ảnh: AFPẢnh: AFP
Trang Channel News Asia hôm nay 14.12 cho hay hãng dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư Nomura dự báo tăng trưởng của các nước châu Á, không tính Nhật Bản, sẽ tiếp tục giảm xuống còn 5,7% trong năm sau, đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1998.
“Với việc cắt giảm lãi suất xuống thấp đến kỷ lục ở nhiều quốc gia và giá dầu giờ chỉ còn một nửa, tăng trưởng kinh tế châu Á có thể sẽ chậm chạp trong 5 năm liên tiếp”, chuyên gia Rob Subbaraman thuộc Nomura cho biết.
Thứ nhất, tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục thấp trong bối cảnh nợ nhiều, lợi nhuận từ các khoản đầu tư sụt giảm và lực lượng lao động đang ít đi. Trong khi chính phủ được dự kiến sẽ công bố thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài chính, những chính sách này sẽ không đủ để thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng. Ngân hàng Nomura dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,8% trong năm sau.
Trung Quốc chắc chắn ảnh hưởng đến các nước châu Á khác, vốn có liên kết giao thương và tài chính mạnh với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Triển vọng tăng trưởng châu Á cũng lu mờ bởi những thách thức về mặt nhân khẩu học - “vấn đề đang lớn nhanh hơn bất cứ ai đang nhận ra”, Nomura cảnh báo. Dân số già đi nhanh chóng làm giảm năng suất, việc quay đầu mạnh và bền vững của tăng trưởng kinh tế khu vực là khó xảy ra trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ông Subbaraman cũng mô tả chu kỳ tài chính châu Á như gót chân Achilles của khu vực trong năm tới. “Nợ cao và giá bất động sản cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng thông qua chi phí vay nợ cao hơn”, Subbaraman nói.
Năm 2016, ngân hàng Nomura dự kiến tăng trưởng ở các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan sẽ tăng lên một chút. Singapore có mặt trong danh sách “tiêu cực” với con số 1,8% được dự báo cho tăng trưởng GDP. Giới phân tích “trung lập” khi nói về triển vọng của Malaysia và Indonesia. Hai nước này lần lượt được dự báo tăng trưởng 4% và 5,2%.
Mặt khác, Ấn Độ và Philippines được cho là hai nước tiên phong trong khu vực vào năm tới, với mức tăng trưởng tiềm năng lần lượt là 7,8% và 6,5%. Cả hai nước đều hưởng lợi từ giá dầu thấp. Ấn Độ đang chứng kiến sự tiến bộ vững chắc trong cải cách dưới thời Thủ tướng Narendra Modi và Philippines có thể đón sự bùng nổ đầu tư nhờ tài chính mạnh, nhân khẩu học thuận lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.