Nhiều dự án hạ tầng sẽ 'đứng bánh'

Mai Phương
Mai Phương
13/08/2018 08:24 GMT+7

Việc Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh tạm dừng đổi đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, từ 1.1.2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Từ tháng 10.2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên đến nay, nghị định này vẫn chưa được ban hành.
Gây ách tắc kinh tế
Nếu thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT sẽ phải dừng không thời hạn. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty luật Basico, các bộ ngành không thể dừng đột ngột một hoạt động nào đó khi chưa có các văn bản luật thay thế.
Hơn nữa, Nghị định 63/2018 của Chính phủ về hình thức đối tác công - tư, trong đó có quy định về trình tự thực hiện dự án theo hợp đồng BT, bao gồm vốn thanh toán cho nhà đầu tư... chỉ mới ban hành có hiệu lực từ ngày 19.6 đến nay.
Vì vậy không nên vì những sai phạm diễn ra trong một số dự án mà yêu cầu việc dừng lại các hợp đồng BT. Bộ Tài chính chỉ có thể nhắc nhở các tỉnh, thành rà soát và áp dụng đúng các quy định hiện hành liên quan đến hình thức này chứ không thể yêu cầu dừng để chờ nghị định mới.
“Bộ Tài chính không có thẩm quyền yêu cầu ngưng thực hiện các hợp đồng BT hoặc các dự án đã được phê duyệt theo hình thức này. Các bộ ngành chỉ có thể nhắc nhở các địa phương thận trọng khi áp dụng vì có nhiều sai phạm xảy ra cũng như tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách mới. Nhưng việc nhắc nhở thì các địa phương có thể nghe theo hoặc không nghe theo, vì các đơn vị vẫn áp dụng theo quy định hiện hành là Nghị định 63, muốn thay đổi phải có nghị định mới thay thế. Trong khi chưa có văn bản mới của Chính phủ thì mọi văn bản, công văn khác không có giá trị pháp lý. Chúng ta phải hành xử theo luật pháp, từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước mới thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh tế thị trường. Không thể tùy tiện đưa ra các mệnh lệnh hành chính vì điều này sẽ làm mất uy tín, hình ảnh của VN xoay quanh môi trường đầu tư. Đó sẽ là thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Chúng ta phải hành xử theo luật pháp, từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước mới thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh tế thị trường
Luật sư Trương Thanh Đức
TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng việc dừng hẳn các hoạt động đầu tư BT để chờ chính sách mới là việc không nên, vì có thể gây ra những ách tắc và tác động không đáng có cho các bên. Nếu muốn hạn chế các tiêu cực và thất thoát trong những dự án theo hình thức BT hay BOT thì cần đưa ra giải pháp thay thế đồng bộ.
Ví dụ, đấu giá đất công lấy tiền để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng song song với việc đấu thầu nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện những dự án đó... “Việc yêu cầu dừng thụ động những hoạt động liên quan về triển khai các dự án theo hình thức BT mà không có giải pháp đồng bộ đi kèm sẽ kéo theo hậu quả làm trì trệ các hoạt động này, tác động tiêu cực đến thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS Trần Du Lịch chia sẻ thêm.
Công khai minh bạch các hoạt động
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: Hợp đồng BT có nhiều trường hợp chỉ định thầu cho các chủ đầu tư dự án hạ tầng không đủ năng lực; không ít doanh nghiệp chỉ chăm chăm lấy đất để kinh doanh bất động sản; định giá đất công khi thanh toán cho nhà đầu tư rẻ hơn nhiều so với giá thị trường... thì nên dừng để xem xét lại hiệu quả nhằm tránh thất thoát tài sản công cần thiết.
Tuy nhiên theo ông Hiển, yêu cầu tạm ngưng cho phép các dự án đầu tư theo hình thức BT của Bộ Tài chính có thể hiểu là ngừng cấp phép mới. Đối với những dự án đã được phê duyệt, các chủ đầu tư vẫn có thể triển khai thực hiện vì đây không phải là luật, cũng không thể hồi tố.
"Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra quy định mới khi thực hiện giải pháp “đổi đất lấy hạ tầng” như quy định rõ không được chỉ định thầu, chỉ được phép đấu giá công khai để xác định giá trị các khu đất cần bán để lấy tiền thanh toán. Thậm chí có thể nghiên cứu đưa ra một giải pháp thay thế hoàn toàn mới cho hình thức BT", ông Hiển nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Đại Lược, cũng cho rằng hình thức BT ra đời để khai thác các trường hợp cá biệt cần huy động vốn nhanh để đầu tư hạ tầng. Nhưng để giảm các vấn đề tiêu cực thì Chính phủ phải nhanh chóng ban hành quy định mới có liên quan để điều chỉnh hoạt động hoặc thay thế hình thức này bằng các giải pháp khác. Bởi có thể những dự án chuẩn bị thực hiện thì việc dừng hoạt động quá lâu sẽ gây thiệt hại và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.