Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ trói chân TP.HCM

Đình Sơn
Đình Sơn
24/09/2020 20:00 GMT+7

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” do Tạp chí Nhà Đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 24.9.

Cụ thể, theo bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ GTVT, tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng tại TP.HCM đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, điều này đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.
So sánh với quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có thể nói tiến độ đầu tư các dự án đều chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của TP về mọi mặt.
“Tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ, cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng. Các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi TP.HCM trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao. Hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn”, bà Hạnh nhận định.

TP.HCM đang hình thành các đại đô thị

Ảnh: Đình Sơn

Bà Hạnh chỉ rõ về đường bộ, đối với 3 tuyến vành đai (tổng chiều dài khoảng 351 km, đoạn trên địa bàn thành phố dài 117,6km), hiện vành đai 2 mới chỉ được đầu tư 51/64 km; vành đai 3 và 4 đang được nghiên cứu đầu tư trong khi tiến độ theo quy hoạch hoàn thành trước 2020. Còn đối với các tuyến quốc lộ (các tuyến qua địa bàn thành phố khoảng 106,7 km), hiện đã đầu tư nhưng chưa đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch và đều đang quá tải.
Về đường sắt đô thị, đối với tuyến số 1 đang trong quá trình xây dựng (khoảng 72% khối lượng), dự kiến cuối năm 2021 đưa vào khai thác thương mại. Tuyến số 2 đang triển khai đấu thầu các gói thầu xây dựng, tiến độ dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2026. Các tuyến đường sắt đô thị còn lại và tuyến xe điện mặt đất đã lập xong dự án đầu tư để quản lý quỹ đất theo quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Tuyến số 5 (giai đoạn 1) và tuyến số 3a hiện nay đã xác định được nguồn vốn đầu tư, cả hai dự án đang trong giai đoạn trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Theo thứ tự ưu tiên đầu tư, các tuyến số 1, 2 và số 5 (giai đoạn 1) phải được đưa vào khai thác vào năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình thực tế triển khai thì cả ba tuyến đều không hoàn thành như kế hoạch với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về hàng không, năm 2019, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón 41,3 triệu hành khách (65,5% lượng khách sử dụng), trong đó khách quốc tế là 15,7 triệu - chiếm khoảng 2/3 lượng khách quốc tế đi bằng đường hàng không ở Việt Nam; khách quốc nội là 25,6 triệu và 682.000 tấn hàng hóa. Hiện cảng này đang trở nên quá tải so với công suất khai thác (vượt 1,6 lần so với công suất).
Hạn chế nêu trên có nguyên nhân liên quan đến tư duy phát triển kết cấu hạ tầng và phân bổ nguồn lực chưa đột phá, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; chưa có cơ chế để tối đa hóa lợi ích mang lại khi đầu tư
Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân của vùng, cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.