Nhập nhèm chất lượng tôn thép

Trong khi các thương hiệu Việt vất vả nâng cao chất lượng để giữ thị phần thì thị trường tôn thép giá rẻ , mập mờ chất lượng lại “sống khỏe” do sự thờ ơ của cơ quan quản lý và cả sự thiếu hiểu biết của khách hàng.

Trong khi các thương hiệu Việt vất vả nâng cao chất lượng để giữ thị phần thì thị trường tôn thép giá rẻ, mập mờ chất lượng lại “sống khỏe” do sự thờ ơ của cơ quan quản lý và cả sự thiếu hiểu biết của khách hàng.

Tôn của nhà máy Thành Dũng không đạt yêu cầu về khả năng chịu mài mòn do lớp mạ kém - Ảnh: Minh SangTôn của nhà máy Thành Dũng không đạt yêu cầu về khả năng chịu mài mòn do lớp mạ kém - Ảnh: Minh Sang
Cứ hễ rẻ là mua
Trong vai người đang chuẩn bị làm nhà, PV Thanh Niên đã đi khảo sát thực tế các nhà máy cán tôn, cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng tại địa bàn TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Vào Nhà máy cán tôn Trần Quốc Thắng trên đường Duy Tân, chúng tôi được đại diện nhà máy này giới thiệu đủ loại tôn, với các loại giá đắt rẻ tùy vào độ dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên, qua lời giới thiệu của đại diện nhà máy, loại tôn dày nhất là 5 dem (0.5 mm) có giá bán gần 100.000 đồng/m2, mua nhiều thì khoảng 95.000 đồng/m2. Nếu người mua muốn loại rẻ thì sẵn sàng mời loại “tương tự” nhưng giá chỉ 78.000 đồng/m2.
Thậm chí, nhân viên Nhà máy cán tôn Trần Quốc Thắng mời chúng tôi mua loại tôn nhãn hiệu Global Steel, giá chỉ 68.000 đồng/m2, mua số lượng lớn giá còn giảm nữa. Theo lời nữ nhân viên này, thì “thị trường Kon Tum hiện người tiêu dùng chủ yếu chọn mua loại tôn Global Steel này về sử dụng trong các công trình lớn nhỏ. Còn những loại tôn của các thương hiệu chính hãng trong nước sản xuất lại có giá đắt hơn, nên không được người tiêu dùng mặn mà. Và không chỉ Nhà máy tôn Trần Quốc Thắng mà phần lớn các nhà máy, cơ sở bán tôn ở Kon Tum hiện đều bán loại tôn này”.
Ông Phạm Đức Hùng (50 tuổi, ngụ ở P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum) bảo: “Cứ thấy rẻ là mua. Bởi nhìn bề ngoài, không thể phân biệt được tôn thương hiệu chính hãng mà lâu nay trong nước vẫn sản xuất như Hoa Sen, Phương Nam và Global Steel thì loại nào chất lượng hơn. Các cơ sở bán tôn thương hiệu cũng không nói cho biết cách phân biệt này”.
Không bảo hành
“Bán tôn không nguồn gốc thì lãi lớn hơn bán tôn của những thương hiệu lớn” là câu trả lời của hầu hết chủ cửa hàng bán lẻ tôn thép trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum trong đợt khảo sát của PV Thanh Niên. Tại Nhà máy cán tôn Thành Dũng có địa chỉ ở ngã ba Cải Lộ Tuyến (thị trấn Diên Khánh, H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi được nhân viên chào mời mua loại tôn có tên Đại Việt. Theo các nhân viên kinh doanh Thành Dũng, tôn Đại Việt được sản xuất tại nhà máy ở TP.HCM và căn cứ trên số liệu kinh doanh, tới thời gian nhất định, tôn sẽ được đưa về Khánh Hòa để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi địa điểm chính xác của nhà máy sản xuất thì họ không trả lời. Vẫn theo những nhân viên ở đây, suốt nhiều tháng qua, tôn Đại Việt luôn dẫn đầu về bán chạy trong các chủng loại tôn bán ra vì mỗi mét vuông giá tôn Đại Việt thường rẻ hơn gần 20.000 đồng.
Như loại tôn cùng có màu xanh rêu, độ dày 0.45 mm, tôn Đại Việt ở Nhà máy cán tôn Thành Dũng được bán với giá 65.000 đồng/m2. Trong khi đó, tôn cùng loại mang thương hiệu Hoa Sen, Phương Nam... thường có giá từ 80.000 đồng... Tuy nhiên, đại diện Nhà máy cán tôn Thành Dũng cũng cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ bảo hành nào với loại tôn kể trên.
Tại thị trấn Diên Khánh, doanh nghiệp tư nhân Thắm, DN tôn lớn nhất nhì trên địa bàn này, cũng có nhiều cơ sở kinh doanh các loại tôn giá rẻ. Nhà máy Thắm mời chào khách mua tôn Global Steel với chủng loại dày nhất cũng chỉ có 75.000 đồng/m2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài cơ sở kinh doanh tại ngã ba Cải Lộ Tuyến, chỉ tính riêng trong địa bàn thị trấn Diên Khánh (H.Diên Khánh), Nhà máy cán tôn Thành Dũng còn có tới 2 cơ sở kinh doanh tôn Đại Việt khác.
Ông T.V.H (43 tuổi, ngụ xã Suối Hiệp, H.Diên Khánh), đại diện bán hàng cho một cửa hàng tôn thép, cho biết loại tôn giá rẻ này chẳng phải sản xuất ở TP.HCM như quảng cáo, mà do các nhà máy này “phù phép” từ tôn Trung Quốc giá rẻ, thường rẻ hơn tôn chính hãng khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng/m2. Tuy nhiên, chất lượng của tôn giá rẻ này rất đáng lo vì thường không có độ bền cao. Chính vì vậy, chỉ vài tháng đưa vào công trình sử dụng là bị bong tróc, gỉ sét. Chưa hết, lớp tôn mỏng hơn, kém chất lượng hơn những loại tôn chính hãng.
Chỉ có người mua bị lừa
Lợi dụng tâm lý khách hàng ham giá rẻ, nhiều cơ sở cán tôn thép đã lập lờ chất lượng tôn bán ra. Kết quả kiểm định tôn tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) do PV Thanh Niên trực tiếp gửi mẫu, đối với một số mẫu tôn lấy tại cơ sở doanh nghiệp tư nhân Thắm (số 77 QL1A, thị trấn Diên Khánh, H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và Nhà máy cán tôn Thành Dũng (ở ngã ba Cải Lộ Tuyến, thị trấn Diên Khánh) cho thấy, chỉ có người mua bị lừa về chất lượng.
Đối với loại tôn DVS JISG 0.40 mm x 1.200 mm x 5 m của doanh nghiệp tư nhân Thắm, thì độ dày chính xác tôn chỉ là 0.321 mm (so với độ dày bán là 0.40). Như vậy khách hàng đã bị ăn gian độ dày 0.079 mm tương đương 19,7% độ dày của tấm tôn (mà dân trong nghề gọi là “đôn dem”). Với việc ăn bớt độ dày mỗi tấm tôn gần 20% thì chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra số tiền kiếm lời bất chính của chủ cửa hàng tôn lớn như thế nào, ngược lại người tiêu dùng bị thiệt hại nghiêm trọng mà không hề hay biết. Nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm định đối với lớp sơn phủ trên tôn khi cho phản ứng với bazơ và a xít cho thấy: khả năng chịu được môi trường a xít, kiềm rất thấp. Khi sơn phản ứng với dung dịch a xít HCl 10% và dung dịch xút NaOH 10% đều rất dễ bị phai màu.
Không “đôn dem” như tôn màu của doanh nghiệp tư nhân Thắm, nhưng tôn Nhà máy cán tôn Thành Dũng cũng cho kết quả kiểm định về khả năng chịu mài mòn của lớp mạ rất kém, “khả năng chỉ chịu được môi trường a xít thấp. Khi phản ứng với dung dịch a xít HCl 10% thì dễ bị phai màu và phồng rộp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.