Nhà nước vẫn còn tham gia bán bia, sữa

28/03/2017 06:15 GMT+7

Dù đã nhiều lần thúc giục nhưng đến nay, vốn nhà nước đang sở hữu tại nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Sabeco, Vinamilk... vẫn còn ở mức cao ngất ngưởng.

Quá chậm chạp
Giá cổ phiếu (CP) của SAB, Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đã tăng hơn 160% so với lúc lên sàn vào cuối năm 2016. Thế nhưng, trong ngày 16.3, chỉ vỏn vẹn có 7.450 CP được giao dịch. Thanh khoản của SAB luôn ở mức thấp kể từ khi lên sàn đến nay, thậm chí có phiên SAB chỉ giao dịch đúng 30 CP. Lượng giao dịch quá ít đã khiến nhiều người mong chờ “ông lớn bia” lên sàn không khỏi thất vọng.
Nguyên nhân chính là do hiện nay, nhà nước thông qua Bộ Công thương vẫn sở hữu đến 89,59% số CP tại SAB; tổ chức nước ngoài và cán bộ nhân viên Sabeco sở hữu 9,35% số CP. Do đó số CP do các nhà đầu tư cá nhân bên ngoài nắm giữ và thật sự có thể giao dịch khá ít.
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN). Thanh khoản của BHN thường xuyên chỉ dưới 10.000 CP/ngày. Bộ Công thương hiện cũng đang sở hữu 81,98% số CP của BHN và Tập đoàn nước ngoài Carlsberg Breweries sở hữu 17,08% số CP khiến cho số CP còn tự do giao dịch bên ngoài rất ít ỏi.
Dù Chính phủ đã có nhiều văn bản nhưng vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc thoái vốn nhà nước ra khỏi nhiều DN. Việc chuyển giao quản lý vốn nhà nước ở nhiều công ty được đưa về SCIC để chuyên môn hóa nhưng rồi vẫn giậm chân tại chỗ
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN
Đây chỉ là 2 trường hợp điển hình dù đã đưa CP lên giao dịch trên sàn chứng khoán nhưng việc thoái vốn nhà nước vẫn chưa diễn ra. Nói rộng hơn, gần 2 năm trôi qua kể từ khi Chính phủ có văn bản yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Chỉ duy nhất vào cuối năm 2016 vừa qua, SCIC bán hơn 5% vốn tại Công ty cổ phần sữa VN (Vinamilk - VNM).
Những công ty còn lại như FPT, FPT Telecom, Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMC), Tổng công ty CP tái bảo hiểm quốc gia... vẫn còn nguyên sở hữu phần lớn của nhà nước. Theo ước tính, chỉ riêng tổng giá trị CP tại 4 DN lớn gồm Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT Telecom và Công ty tái bảo hiểm quốc gia đã chiếm gần 80% danh mục đầu tư của SCIC. Và mỗi năm, đây cũng là những “con gà đẻ trứng vàng” khi mang lại nguồn cổ tức khá lớn cho SCIC.
Bán vốn nhà nước rồi lại mua cổ phần DNNN
Đánh giá về quá trình thực hiện thoái vốn nhà nước ra khỏi các DNNN thời gian qua, nhất là tại 10 công ty đã được “chỉ mặt đặt tên”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (Vafi), cho rằng SCIC đã thực hiện quá chậm.
“Dù Chính phủ đã có nhiều văn bản nhưng vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc thoái vốn nhà nước ra khỏi nhiều DN. Việc chuyển giao quản lý vốn nhà nước ở nhiều công ty được đưa về SCIC để chuyên môn hóa nhưng rồi vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Theo báo cáo của SCIC, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 15.826 tỉ đồng. Đóng góp lớn vào mức lợi nhuận cao kỷ lục này của SCIC là Vinamilk. Chính vì điều đó, không ít nhà đầu tư đã cho rằng SCIC không thực hiện nhanh việc thoái vốn khỏi Vinamilk hay một số DN khác vì luyến tiếc. Nguyên nhân này cũng được đưa ra ở những đơn vị khác như Sabeco, Habeco…
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét để thực hiện nhanh và đạt hiệu quả việc thoái vốn nhà nước, cần cải tổ lại chức năng của SCIC. Bởi việc quản lý đầu tư của SCIC đã đi ngược với mục tiêu cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước. Ví dụ SCIC sau khi thu tiền từ việc bán CP ở các DNNN lại đi đầu tư ngược vào các DNNN khác. Chẳng hạn như năm 2015, SCIC đã mua CP của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay, đơn vị này vẫn đang thua lỗ và chưa biết số phận ra sao.
Ông Hải nhấn mạnh: Nhà nước rút vốn ở các DNNN là để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thực hiện các nhiệm vụ khác cũng như tạo cơ hội kinh doanh cho khối DN tư nhân. Không thể có chuyện mang tiền quay trở lại đi đầu tư vào các DNNN mà đó không phải là những ngành nghề thiết yếu cần có sự tham gia của nhà nước. Hay như phải mạnh dạn và nhanh chóng thoái vốn ra khỏi các công ty bia, sữa như đã nói đến trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Hảo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nhận xét Chính phủ đã thể hiện quyết tâm sắp xếp lại DNNN khi cuối năm 2016 ban hành Quyết định 58 với danh mục các công ty cụ thể cần phải thoái vốn. Trong đó đã nêu đích danh tên của 240 DN được chia thành bốn danh mục với tỷ lệ sở hữu còn lại rất cụ thể. Tuy nhiên, mọi việc cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa đồng thời càng phải có thêm nhiều giải pháp cụ thể mới thoát khỏi được tình trạng ì ạch như vừa qua. Bên cạnh đó, dù tỏ rõ quyết tâm nhưng trong số 240 DNNN thuộc diện phải tái cơ cấu, sắp xếp, thì nhà nước chỉ thực sự rút lui vai trò chi phối đối với 106 DN.
Đối với 134 DNNN còn lại nhà nước vẫn nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối (trên 51%). Bởi vậy, chất lượng quản trị DN ở các DN này sẽ không có gì đột phá. TS Võ Trí Hảo đặt vấn đề: Ngay cả đối với trường hợp 106 DNNN thuộc diện nhà nước phải thoái vốn dưới 50%, nếu những cổ đông còn lại vẫn là các DNNN mua chéo CP lẫn nhau, thì chất lượng quản trị DN, chất lượng dòng vốn, công nghệ sẽ không có gì thay đổi và thậm chí còn tệ hơn so với trước khi sắp xếp...
Xem xét kỷ luật người đứng đầu
TS Võ Trí Hảo đặt vấn đề: Nên chăng đặt ra thủ tục xem xét kỷ luật cách chức người đứng đầu DNNN, kỷ luật khiển trách người đứng đầu cơ quan chủ quản nếu không tuân thủ tiến độ sắp xếp. Đồng thời nên có quy định cấm các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước tham gia mua lại phần vốn góp từ việc thoái vốn từ các DNNN cũng như không được góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.