Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 4: Bánh tráng Tân An

15/01/2015 03:00 GMT+7

Những ngày này, người làng bánh Tân An (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch, Quảng Bình) hối hả làm việc cả ngày lẫn đêm, cho ra những mẻ bánh thơm, ngon để kịp phục vụ tết.

Những ngày này, người làng bánh Tân An (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch, Quảng Bình) hối hả làm việc cả ngày lẫn đêm, cho ra những mẻ bánh thơm, ngon để kịp phục vụ tết.
Cuối năm là mùa cao điểm của làng bánh tráng Tân An - Ảnh: T.Q.NCuối năm là mùa cao điểm của làng bánh tráng Tân An - Ảnh: T.Q.N
Không như nhiều làng quê đặc trưng khác ở Quảng Bình, Tân An đất chật người đông, nhà cửa san sát nhau; đất ruộng sản xuất cũng ít. Thế nên dân làng nghĩ ra những nghề phụ và bám trụ với nghề bánh, phát triển nó, tạo dựng uy tín cho đến bây giờ.
Ở vùng bắc Quảng Bình, nhắc đến bánh tráng không ai không biết bánh Tân An, nhưng ngọn nguồn nó thì ít người biết, ngay cả những người làm bánh có tiếng ở trong làng. Hầu như họ chỉ biết chung chung là nghề có từ lâu, cách nay cũng cả trăm năm.
Người Tân An làm cả bánh ướt, bún; nhưng phổ biến vẫn là món bánh tráng. Không như nhiều nơi sản xuất bánh tráng khác, người làm bánh ở Tân An luôn tâm niệm phải giữ vững và xây dựng được thương hiệu ngày một bền hơn. Ở các nơi, vì chạy theo lợi nhuận nên giảm bột gạo và hạt mè xuống, tăng bột sắn lên nên bánh cứng, không thơm. Trong khi đó, bánh Tân An rất giòn và thơm vì hạt mè nhiều, ăn cảm nhận được vị ngon của tinh bột gạo quyện với hạt mè.
Ở Tân An, hầu như nhà nào cũng làm bánh tráng, tổng cộng có hơn 200 hộ làm nghề bánh. Nhiều hộ sản xuất lớn, phải thuê người làm như nhà chị Hồ Thị Bốn. Thùng ngâm gạo, tinh bột chất đầy mấy gian nhà vì chị sản xuất cả bánh tráng và bánh ướt. Để kịp thời phục vụ nhu cầu, chị đầu tư dây chuyền làm bánh ướt bằng máy. Tính bình quân, mỗi ngày bình thường chị và người giúp việc làm trên dưới 3 tạ bánh, mỗi tạ bán được 700.000 đồng; dịp Tết Nguyên đán, chị làm gấp đôi, làm cả ngày và đêm.
Tháng 4.2010, HTX bánh mè xát Tân An với hơn 20 xã viên được thành lập và hoạt động theo mô hình nguyên liệu mua về chia cho mỗi xã viên, sau đó thu lại sản phẩm, bán ra, trừ chi phí được lợi nhuận. Từ khi có HTX, việc sản xuất quy củ và ổn định hơn. Chị Phan Thị Cẩm Tú cho biết, hiện nay Tân An sản xuất đến 10 loại bánh, bánh Tân An được xuất bán thường xuyên đi các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh. Người vùng Ba Đồn, Quảng Trạch mỗi lần về quê cũng mang theo bánh Tân An đi làm quà, thế nên bánh cũng có mặt ở rất nhiều nơi.
Với người miền Trung, ẩm thực thường không thể thiếu bánh tráng, nhất là các dịp lễ tết hội hè. Vì thế, Tân An thời điểm này đông đúc, rộn ràng hẳn; cả làng đang tập trung làm bánh phục vụ thị trường tết. Đây là vụ làm ăn lớn nhất nên người làng dồn hết công sức để làm, cũng vì thế thu nhập của người làm bánh tăng vọt, bình thường mỗi người chỉ thu được khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng nhưng tết lên đến trên dưới 15 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.