Nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm

14/05/2019 05:35 GMT+7

Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở mức độ rất nghiêm trọng, chưa được kiểm soát.

Các địa phương phải tập trung tối đa nguồn lực ngăn chặn lây lan, đặc biệt là dập tắt các ổ dịch, nhưng đảm bảo bảo vệ được sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 13.5.

Ba tuyến kiểm soát từ ổ dịch

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi lan tới 29 tỉnh, thành phố với trên 1,2 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, chiếm khoảng 4% tổng đàn cả nước; nhưng nguy hiểm ở chỗ bệnh còn tiếp tục lan nhanh. Kiểm soát giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ tại các địa phương còn nhiều thách thức khiến dịch lây lan nhanh, khi cả nước có đến trên 27.000 điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm sâu trong các khu dân cư không được kiểm soát.
Ở nhiều địa phương, thịt lợn được buôn bán chủ yếu trong các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm và vận chuyển bằng xe máy, không có bao gói đảm bảo tiêu chuẩn, cũng là nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Kiểm soát ổ dịch với nguyên tắc đảm bảo thịt lợn sạch kể cả từ vùng đang có dịch cũng đến được tay người tiêu dùng, nếu cực đoan thì mất cân đối cung - cầu
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương
Ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - địa phương đang có dịch nặng nhất cả nước, nói: “Chia sẻ với các hộ chăn nuôi, địa phương tập trung ngăn dịch nhưng cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, giới thiệu địa chỉ bày bán rõ ràng. Dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 500 tấn thịt lợn”.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng và khó kiểm soát, vi rút tồn dư trong môi trường trong nhiều năm, dự báo sẽ còn kéo dài nên để phát triển thì ngành chăn nuôi lợn không còn cách nào khác là phải tìm cách sống chung với nó.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cho rằng biện pháp nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp như quy định hiện nay đã không còn hiệu quả khi dịch bệnh hầu như lan tràn khắp miền Bắc.
Ngược lại, quy định này có thể dẫn tới các rủi ro khi DN giết mổ có công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ thì chấp hành đóng cửa, ngừng sản xuất. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thì vẫn hoạt động, lực lượng thú y không thể kiểm soát.
Ông Nam đề xuất 3 tuyến kiểm soát để ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch và tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ đủ điều kiện hoạt động dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.
“Ở tuyến một, đảm bảo không có bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm bệnh được xuất chuồng, xuất trại; tuyến hai đảm bảo không để bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ; tuyến ba kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn nào bị nhiễm dịch đến tay người tiêu dùng”, ông Nam nói.

Nỗi lo thiếu thịt

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - địa phương có đàn lợn lên tới 1,2 triệu con, bày tỏ lo ngại nếu dịch cứ lây lan và tiêu hủy số lượng nhiều như hiện nay thì nguy cơ thiếu thịt lợn vào những tháng cuối năm là rất lớn. Ông Quyền cho rằng, hiện tại giá thịt lợn trên thị trường ở mức thấp thì nên có cơ chế khuyến khích các DN giết mổ lợn để cấp đông vừa giải tỏa thị trường tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi, vừa tạo nguồn hàng dự trữ vào cuối năm.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, nêu vấn đề cần phải tính tới lâu dài để vừa ngăn dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển. “Kiểm soát ổ dịch với nguyên tắc đảm bảo thịt lợn sạch kể cả từ vùng đang có dịch cũng đến được tay người tiêu dùng, nếu cực đoan thì mất cân đối cung - cầu”, ông An nói.
Ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương không để dịch lan mạnh nhưng Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang ở mức độ rất nghiêm trọng, rất khó kiểm soát và khả năng lây lan cao. Trong khi vẫn có địa phương còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn công tác phòng chống dịch cho cơ quan thú y, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phòng chống dịch hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở địa phương để “ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu để dập dịch”.
“Ngay sau hội nghị này, Bộ NN-PTNT cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y. Bộ Công thương họp ngay với các DN để rà soát, đánh giá nguồn cung cầu, sẵn sàng các phương án cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
 
Truy trách nhiệm lãnh đạo địa phương có xác lợn vứt ra môi trường
Ngày 13.5, Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, yêu cầu chỉ đạo điều tra, xác minh nguồn gốc xác lợn vứt ra môi trường ở địa bàn giáp ranh 2 tỉnh này.
Ngày 12.5 vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra tại Bắc Giang đã phát hiện nhiều xác lợn vứt ra môi trường tại địa bàn xã Việt Trung (H.Việt Yên).
Trước đó, Cục Thú y ghi nhận, tình trạng vứt xác lợn xảy ra ở nhiều địa phương tại tỉnh Bắc Giang gây ô nhiễm môi trường. Qua điều tra, số lợn chết còn có thể xuất phát từ địa bàn của H.Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.