Nguy cơ mất tiền thật vì tiền ảo

26/06/2017 07:52 GMT+7

Tiền ảo Bitcoin đã có những phiên tăng giá phi mã rồi nhanh chóng giảm sâu trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua đã khiến nhiều người chơi loại tiền này lỗ nặng.

Tăng nhanh, giảm sốc
Theo Hãng tin CNBC, vào ngày 24.5, giá tiền ảo Bitcoin đạt mức cao nhất khi lên mức 2.791,69 USD/Bitcoin. Tuy nhiên, đến ngày 29.5, giá loại tiền ảo này chỉ còn 2.267,73 USD/Bitcoin, đồng nghĩa với mức giảm hơn 520 USD, tương đương giảm 18,7%. Giá của Bitcoin đã tăng vọt chỉ trong vài ngày trước đó và tất nhiên, cũng nhanh chóng quay đầu giảm xuống. Và theo ước tính, gần 4 tỉ USD giá trị quy chiếu của Bitcoin đã “bốc hơi” chỉ trong 4 ngày. Đến ngày 12.6, giá Bitcoin gia tăng trở lại và lập đỉnh mới ở mức 3.000 USD. Nhưng một lần nữa loại tiền này lại nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 2.076 USD vào 2 ngày sau đó, trước khi được kéo lên trở lại ở mức xoay quanh 2.600 USD.
Trong diễn biến vào cuối tháng 5 trước đó, theo CNBC, có nhiều nguyên nhân khiến Bitcoin tăng giá. Một là Nhật Bản vừa thông qua luật cho phép các nhà bán lẻ nhận thanh toán bằng Bitcoin. Bên cạnh đó, các biến động chính trị gần đây cũng làm tăng nhu cầu mua tiền ảo làm công cụ trú ẩn. Còn nguyên nhân giảm giá thì lại không rõ ràng, cho thấy rất có thể tiền ảo bị giới đầu cơ dìm giá để trục lợi…
Tuy nhiên, việc tăng giá mạnh gần 4 lần, từ mức khoảng 800 USD vào đầu năm nay đến đỉnh 3.000 USD ngày 12.6, đã khiến những người ủng hộ Bitcoin tin rằng loại tiền ảo này sẽ được sử dụng rộng rãi và thậm chí có thể đe dọa sự thống trị của tiền giấy. Giới đầu tư nương vào đó có vẻ như đang hô hào cho một đợt tăng giá mới của Bitcoin. Thậm chí, có nhiều dự báo đưa ra gần đây cho rằng giá Bitcoin có thể đạt mức 6.000 USD trong năm nay. Song, không ai dám chắc chắn loại tiền này sẽ đạt đến mốc nào. Trong lịch sử phát triển của mình, Bitcoin đã có những cơn sốt tăng giảm đáng kể khiến nhiều người đổ tiền vào bị thua gần như trắng tay. Điển hình, tháng 11.2013 giá Bitcoin đạt đến đỉnh hơn 1.130 USD nhưng sau đó đã bắt đầu vào chuỗi ngày giảm giá và chạm đáy 230 USD đầu năm 2015.
Dễ mất tiền thật
Việc giao dịch tiền ảo Bitcoin trên thế giới cũng đã lan nhanh đến VN những năm gần đây. Hiện trên một số trang web giao dịch Bitcoin tại VN, giá mua vào và bán ra đang ở khoảng 58 - 62,2 triệu đồng/Bitcoin. Thế nhưng, tại VN, tiền này chỉ có thể dùng để mua đi bán lại trên internet mà không có giá trị sử dụng bên ngoài.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ hiện hành và cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Vì vậy, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác.
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, 2 rủi ro lớn nhất trong đầu tư tiền ảo nói chung là thị trường và pháp lý. Xét về thị trường, không có ai tính được mức cung cầu như thế nào để dự báo chính xác giá cả của loại tiền này. Hơn nữa, cũng chưa có nhiều quốc gia công nhận tiền ảo để thanh toán nên lại càng không có cơ sở khoa học để tính toán. Đặc biệt, vì các thông tin rất khó chính xác nên giới đầu tư sẽ dễ dàng thổi giá hay dìm giá đối với tiền ảo. “Ở VN, do nhà nước không thừa nhận tiền ảo nên rủi ro sẽ càng cao. Nếu việc giao dịch có gian lận thì không ai đòi lại được tiền của mình”, ông Hiếu phân tích.
Giả mạo văn bản của Bộ KH-ĐT kinh doanh tiền ảo
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có Văn bản số 329/VP-HC gửi Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư (Bộ Công an) thông báo việc giả mạo văn bản của cơ quan này. Theo đó, ngày 19.6, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT), Bộ KH-ĐT nhận được phản ánh của công dân về việc có hiện tượng giả mạo văn bản của Bộ. Văn bản giả mạo có số 116/2017/PĐ-BKHĐT đề ngày 16.6 với nội dung Bộ KH-ĐT phúc đáp văn bản của Công ty Trident Crypto Academy tại VN về việc cho phép công ty này được kinh doanh tiền điện tử Onecoin. Văn bản có hình ảnh con dấu của Cục QLĐT, chữ ký của ông Nguyễn Đăng Trương với chức danh Chủ tịch, Phó cục trưởng Cục QLĐT.
Văn phòng Bộ KH-ĐT khẳng định, văn bản nêu trên là giả mạo, bởi thể thức không theo quy định về văn bản hành chính của Bộ KH-ĐT cũng như Cục QLĐT. Bên cạnh đó, tại ngày phát hành ghi trên văn bản, ông Nguyễn Đăng Trương đã giữ chức danh Cục trưởng Cục QLĐT và không giữ chức danh Chủ tịch tại bất kỳ cơ quan, hiệp hội nào. Văn phòng Bộ KH-ĐT nhận định, hành vi giả mạo văn bản nói trên của Cục QLĐT có thể với mục đích đi lừa đảo các cá nhân, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Do vậy, các cá nhân, doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác.
M.P - T.X
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.