Người trồng tiêu Phú Quốc lao đao vì hạn hán

20/04/2016 09:45 GMT+7

Hạn hán kéo dài đang làm nhiều vườn tiêu ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) khô hạn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt và sự phát triển của cây tiêu.

Hạn hán kéo dài đang làm nhiều vườn tiêu ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) khô hạn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt và sự phát triển của cây tiêu.

Vườn tiêu của ông Lợi đang thiếu nước nghiêm trọng - Ảnh: Minh KhoaVườn tiêu của ông Lợi đang thiếu nước nghiêm trọng - Ảnh: Minh Khoa
Héo hon từng ngày
Những ngày này, vườn tiêu hơn 2.000 gốc của ông Trần Văn Lợi (ở ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương) đã chuyển sang màu vàng, nhiều dây tiêu bắt đầu rụng lá, rụng lóng dần dần. Tiêu đang có trái xanh nhưng gia đình ông Lợi buộc phải hái sớm nên hạt không no, độ cay, nồng thơm kém xa so với thu hoạch khi hạt tiêu già, chín cây vì thế giá bán giảm thấp. Ông Lợi cho biết nắng hạn, khô nóng, thiếu nước tưới làm cây tiêu không còn đủ sức nuôi hạt đến khi chín. Do đó, ông buộc phải hái trái xanh để dưỡng cây cho mùa sau. Ngoài ra, ông còn đào hố lót vải bạt chống thấm, rò rỉ để chứa nước và xách can tưới từng gốc tiêu cầm cự qua mùa khô. “Theo dự báo, tình hình khô hạn còn kéo dài 1 - 2 tháng nữa nên tôi đầu tư 35 triệu đồng khoan giếng lấy nước tưới tiêu, nhưng khoan hơn một tuần rồi vẫn chưa có nước. Với vườn tiêu này, năm 2015, tôi thu hoạch được hơn 4 tấn hạt, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhưng năm nay thất mùa, giá cả sụt giảm, sắp tới chưa biết thế nào nữa”, ông Lợi lo lắng.
Nhằm chống chọi với thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài bất thường, bà Lê Thị Đông (ngụ ấp Khu Tượng) đã tận dụng nguồn nước ít ỏi ở 2 giếng khoan công nghiệp giải cứu vườn tiêu hơn 2.000 gốc của gia đình. Bà Đông cho biết: “Nhờ các giếng này còn một ít nước nên tôi bơm lên tưới tạm từng gốc để cầm cự giữ cho cây tiêu sống qua đợt hạn hán. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, nếu nắng nóng cứ kéo dài chưa biết có giữ được vườn tiêu hay không”.
Cửa Dương là xã có diện tích trồng tiêu lớn nhất ở huyện đảo Phú Quốc với hơn 295 ha. Hạn hán đã làm hàng chục nhà vườn ở đây không còn nước tưới tiêu. Hiện nhờ được chính quyền địa phương vận chuyển nước từ nơi khác đến, bà con tạm thời đào hố lót vải bạt để trữ nước tưới lỗ, nhỏ giọt hết sức tiết kiệm. Đồng thời hy vọng vào những cơn mưa “vàng” giải hạn, bởi chở nước từ nơi khác về tưới tiêu chỉ là giải pháp tình thế.
Cấp bách cứu vườn tiêu
Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế H.Phú Quốc, cho biết: “Hàng chục héc ta hồ tiêu ở các xã Cửa Dương, Bãi Thơm và Gành Dầu đang thiếu nước tưới nghiêm trọng. Các giếng khơi, khe suối tại khu vực này hầu như không còn nước để tưới cho cây tiêu. Nếu khô hạn, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì hơn 500 ha hồ tiêu trên đảo không chỉ giảm năng suất, chất lượng hạt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trong vụ tới”.
Để khẩn cấp cứu cây tiêu trên đảo, UBND H.Phú Quốc đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, thống kê lại những vườn tiêu đang bị thiếu nước nghiêm trọng, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó cứu tiêu. Ông Trực cho biết các đơn vị chức năng của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân đào hố, lót vải bạt và huy động xe bồn hằng ngày vận chuyển nước từ hồ Dương Đông về cho bà con tưới tiêu. Cùng với đó, hướng dẫn các nhà vườn mua màng phủ nông nghiệp che mặt đất nhằm hạn chế bốc hơi nước kết hợp tưới lỗ, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước để duy trì độ ẩm cho đất trong phạm vi bộ rễ tiêu phát triển. Phần trên ngọn làm giàn phủ lưới che mát để giảm bớt độ nóng gây hại cây tiêu. “Còn về lâu dài, huyện khuyến cáo và hướng dẫn các nhà vườn đầu tư theo mô hình trồng tiêu có phủ lưới, trang bị hệ thống tưới phun tự động. Bởi cách làm này giúp tiết kiệm nước, chi phí, sức lao động, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới như hiện nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.