Người thắng, kẻ bại trong chính sách kinh tế của ông Donald Trump

22/01/2017 14:16 GMT+7

Hãng tin CNN có bài viết liệt kê các bên hưởng lợi hoặc chịu thiệt với các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ vừa nhậm chức Donald Trump, hay còn gọi là Trumponomics.

Theo đó, nếu tân Tổng thống Mỹ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, nhiều doanh nghiệp Mỹ lớn sẽ hưởng lợi. Các bên hưởng lợi lớn nhất có thể là những công ty nhận phần lớn doanh thu bán hàng từ thị trường nội địa. Việc chi tiêu tiêu dùng gia tăng ở Mỹ có thể giúp thúc đẩy hoạt động làm ăn của các công ty này.
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu FactSet Research, gần một nửa trong số các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 có nhiều hơn 70% doanh thu đến từ Mỹ. Danh sách này gồm 240 công ty, trong đó có những cái tên như AT&T, Verizon, Disney, Comcast, Home Depot, Berkshire Hathaway, Starbucks và Lockheed Martin.
Walmart, American Express, UPS và Netflix là các doanh nghiệp lớn có mở rộng kinh doanh ra nước ngoài nhưng phần lớn lợi nhuận vẫn gắn chặt với thị trường nội địa. Các công ty trên có thể được thúc đẩy từ chính sách hướng nội của ông Trump nếu ông và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát tăng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và giảm thuế nhiều như những gì được đề xuất.
Các động thái kích thích trên có thể gia tăng chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu của các doanh nghiệp lớn. Các công ty như Ford hay General Motors cũng được hỗ trợ ít nhiều, song đây cũng là những mục tiêu của ông Trump vì họ có hoạt động sản xuất ở Mexico. Cả hai nhà sản xuất ô tô có ít hơn 60% tổng lợi nhuận thu được từ Mỹ.
Dù vậy, hiện chưa có gì đảm bảo rằng ông Trump sẽ có được mọi thứ ông muốn từ Quốc hội. Ngoài ra vẫn có khả năng các động thái cô lập kinh tế của ông sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và người tiêu dùng Mỹ.
Ngược lại, danh sách các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh thu nước ngoài và có khả năng chịu thiệt với Trumponomics gồm Boeing, General Electric, Coca-Cola, McDonald's, Procter & Gamble (PG) và Nike. Những hãng này bán sản phẩm ở ngoại quốc nhiều hơn ở Mỹ. Vì thế, cổ phiếu của họ có thể giảm so với những doanh nghiệp hiện diện nhiều hơn tại quê nhà, đặc biệt là khi giá trị USD lên cao hơn. Dù bắt đầu suy yếu trong thời gian gần đây, đồng bạc xanh vẫn tăng đáng kể so với các đồng tiền khác từ ngày có kết quả bầu cử Mỹ.
Các nhà đầu tư cho rằng khuynh hướng hướng nội của ông Trump có thể thúc đẩy USD và đây là tin xấu với các doanh nghiệp bán dịch vụ, hàng hóa ở nước ngoài. Ngược lại, nó tốt cho những cái tên nhập khẩu ít hơn và tập trung vào thị trường Mỹ.
Trumponomics cũng sẽ làm tổn thương nhiều ông lớn công nghệ vốn hưởng hơn nửa doanh thu từ thị trường quốc tế, chẳng hạn như Apple, Microsoft, Facebook, Alphabet, Intel, IBM và Oracle cũng nằm trong danh sách chịu thiệt.
Dù vậy, cổ phiếu các hãng trên và nhiều công ty công nghệ khác đang dẫn đầu thị trường trong những ngày gần đây vì kỳ vọng rằng đề xuất thay đổi thuế doanh nghiệp của ông Trump sẽ khiến họ mang thêm nhiều tiền mặt từ nước ngoài về Mỹ. Apple và những cái tên lớn khác có thể dùng tiền mặt để thuê tuyển thêm lao động trong nước, tăng cổ tức, mua lại cổ phiếu.
Điều này có thể đúng, song cùng lúc, những hãng này cũng thấy việc làm ăn trên trường quốc tế khó nhằn hơn nếu các chính phủ nước ngoài trả đũa lại biện pháp đánh thuế cao hàng nhập khẩu của họ đến Mỹ.
Một doanh nghiệp khác có thể chịu thiệt là hãng dầu lớn ExxonMobil, với cựu CEO Rex Tillerson là Ngoại trưởng Mỹ do ông Trump đề bạt. Trong năm tài chính gần nhất, chỉ hơn 1/3 tổng doanh thu của ExxonMobil đến từ thị trường nội địa. Vì vậy, trừ khi giá dầu tăng vọt dưới thời lãnh đạo của ông Trump, hãng này có thể không hưởng lợi nhiều từ Trumponomics như các công ty năng lượng khác vốn định vị bản thân gắn chặt với đợt bùng nổ dầu đá phiến Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.