Người giàu châu Á ưu ái ngân hàng cá nhân sau Brexit

15/07/2016 19:45 GMT+7

Ngày càng nhiều người giàu châu Á yêu cầu các nhà băng tư nhân quản lý tài sản cho họ giữa các biến động lên cao trên thị trường tài chính.

Theo Bloomberg, kết quả khảo sát mới là dấu hiệu đáng khích lệ cho các doanh nghiệp như UBS Group và Credit Suisse Group, vốn đang tìm cách mở rộng kinh doanh trong khu vực.
Khoảng 1/4 nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á là khách hàng của các nhà băng cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân trong tháng 5, tăng 10% so với cách đây ba năm, theo nghiên cứu của hãng East & Partners Asia ở Singapore. Tỷ lệ những người tự quản lý tài sản giảm từ 70% xuống 52% trong cùng kỳ.
Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai, sau lựa chọn Brexit, hay rời Liên minh châu Âu (EU), của Anh, bất ổn trong nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc cùng biến động tiền tệ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm thêm sự tư vấn chuyên nghiệp, nhà phân tích Jonathan Chng của hãng East & Partners Asia cho hay.
Công ty Singapore dự báo gần 30% người giàu châu Á sẽ trở thành khách hàng của các ngân hàng chuyên về quản lý nguồn vốn cá nhân vào tháng 5.2017. Trong khi đó, tỷ lệ các cá nhân tự quản lý tài sản giảm xuống 47%.
“Điều này xảy ra chủ yếu là do sự thay đổi liên tục trong nền kinh tế thế giới và các bất ổn tăng cao trên thị trường. Lời khuyên chuyên nghiệp là cần thiết trong việc tích lũy và bảo vệ tài sản”, chuyên gia Jonathan Chng cho biết.
Xu hướng này là tin tốt phía trước dành cho UBS và Credit Suisse, khi hai ngân hàng này đang tập trung thúc đẩy mảng kinh doanh quản lý tài sản ở châu Á.
UBS muốn nâng gấp đôi số nhân sự ở châu Á trong 5 năm, khi nhà băng thêm vào 600 nhân viên làm việc ở các mảng từ quản lý tài sản đến ngân hàng đầu tư. Credit Suisse dự định tăng số khách hàng cố vấn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên mức 800 người vào năm 2018, từ mức 615 người đầu năm nay.
Tài sản của các cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương lần đầu vượt Bắc Mỹ vào năm 2015 nhờ nền kinh tế và thị trường bất động sản mạnh lên. “Triển vọng giàu có của châu Á vẫn tích cực hơn khá nhiều vùng khác trên thế giới”, chuyên gia quản lý tài sản Fabrizio Campelli tại Deutsche Bank nói. Ngân hàng Đức cũng đang tăng số lượng nhân viên ở châu Á, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, khảo sát của East & Partners Asia cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích của người châu Á, chiếm khoảng 32% phân bổ tài sản. Theo sau bất động sản là chứng khoán, các loại tài sản thay thế và thu nhập cố định. Dù vậy, tỷ lệ đầu tư vào bất động sản giảm từ mức 40% hồi năm 2013 vì các nhà đầu tư tìm đến chứng khoán quốc tế và tài sản thay thế nhiều hơn.
Nghiên cứu của East & Partners Asia khảo sát xu hướng đầu tư của hơn 900 người giàu ở Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan hai lần mỗi năm.

tin liên quan

Triệu phú châu Á giàu nhất thế giới
Châu Á không những là nhà của nhiều triệu phú nhất thế giới, mà giới triệu phú khu vực này cũng có tổng tài sản lớn hơn triệu phú Bắc Mỹ, châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.