Ngư dân vượt khó vươn khơi

Đức Huy
Đức Huy
13/02/2020 07:31 GMT+7

Các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương tại Phú Yên đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu để vươn khơi đánh bắt dài ngày dù chuyến biển trước gặp nhiều khó khăn.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều tàu Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương đã về bến với sản lượng trung bình mỗi tàu khoảng 1,7 tấn. Sản lượng cao nhưng ngư dân lại kém vui vì giá cá quá thấp. “Giá cá ngừ đại dương do các vựa và doanh nghiệp thu mua định giá, ngư dân không thể quyết định được. Tuy nhiên, không hiểu nguyên nhân gì mà hiện nay các doanh nghiệp thu mua đưa ra giá quá thấp, chỉ 100.000 đồng/kg cá ngừ đại dương loại 1”, ngư dân Nguyễn Văn Mười (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa) nói.

Vất vả tìm thuyền viên

Theo tính toán của ngư dân, chi phí cho một chuyến biển trung bình khoảng 120 - 130 triệu đồng, với giá cá trước đây từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, tàu đánh bắt chừng 1 tấn là đã bắt đầu có lãi. Nay giá cá giảm thì mỗi tàu phải đánh bắt được 1,3 tấn mới hòa vốn.
Nhưng không phải con cá ngừ đại dương nào đánh bắt được cũng đạt loại 1 để bán giá 100.000 đồng/kg, mà còn tùy thuộc vào đánh giá của chủ vựa hoặc doanh nghiệp thu mua. Bà Huỳnh Thị Chi (P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa) cho biết: “Cá ngừ đại dương dạt (loại không phân cấp được trong loại 1, loại 2 và loại 3) thì giá chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Trước đây, các doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương chỉ thử mẫu kiểm tra chất lượng một số con rồi thống nhất giá cả và mua toàn bộ số cá trên tàu mà ngư dân đánh bắt được. Còn hiện nay, các doanh nghiệp này lựa mua từng con và giá cả cũng theo chất lượng mà các doanh nghiệp đánh giá”.
Ngư dân vượt khó vươn khơi

Giá cá ngừ luôn là mối quan tâm lớn của ngư dân

Giá cá thấp cũng ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thuyền viên đi biển. Theo ông Mười, việc tìm thuyền viên đi biển hiện nay rất khó khăn vì sau mỗi chuyến biển trừ đi chi phí, có chuyến các thuyền viên không được đồng nào, thậm chí lỗ. “Cách ăn chia là sau khi trừ chi phí chuyến biển, phần lãi chia đôi cho các thuyền viên và chủ tàu. Với giá cá hiện nay khó có tàu nào lãi để mà chia. Vì thế, các thuyền viên nghỉ biển, tìm việc trên bờ để thu nhập ổn định”, ông Mười chia sẻ.
Ông Phan Thanh Lực, Trưởng ban Quản lý cảng cá Đông Tác (TP.Tuy Hòa), cho biết sở dĩ cá ngừ đại dương rớt giá là do các chủ vựa, doanh nghiệp thu mua cho rằng cá không đạt chất lượng và chỉ thu mua rồi bán nội địa, rất ít cá đạt chất lượng để xuất khẩu.

Hy vọng mùa biển mới

Chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm, ngư dân Phan Ngọc Châu, chủ tàu cá PY 96491 TS (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa), tâm sự: “Việc khai thác hải sản trên biển đối với ngư dân gặp không ít khó khăn, tuy nhiên đối với ngư dân hành nghề nhiều năm cũng quen vì chúng tôi xem biển như là nhà. Với lại đã là ngư dân mà không bám biển thì biết làm gì. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng mùa biển mới khai thác được nhiều hải sản, giá cả hải sản hợp lý và nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển làm ăn”.
Còn theo ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY 91036 TS (cũng ở P.Phú Đông), kinh nghiệm cho thấy thường vào đầu mùa biển mới, cá ngừ đại dương xuất hiện và di chuyển từ vùng biển phía bắc vào phía nam. Cũng trong thời gian này, nhiều luồng cá lớn xuất hiện trên biển, nếu tổ chức khai thác đúng thời điểm và đúng luồng cá thì sẽ đạt hiệu quả rất cao.
“Gia đình tôi đã liên hệ và nắm thông tin đầy đủ về tình hình khai thác trên biển nên trước Tết Nguyên đán đã đầu tư sửa chữa lại tàu nhằm đảm bảo an toàn khi ra khơi, đồng thời đầu tư thêm một số trang thiết bị phục vụ khai thác, trong đó tập trung vào các thiết bị bảo quản và sẽ chú ý đến khâu sơ chế. Hy vọng chuyến biển đầu năm này thuận buồm xuôi gió, hải sản khai thác đầy khoang, giá cá phù hợp và ổn định”, ngư dân Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.