Ngư dân than phiền thủ tục nhận hỗ trợ nhiên liệu

Phạm Anh
Phạm Anh
22/09/2020 04:16 GMT+7

Nhiều ngư dân vùng cửa biển Sa Cần, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) phản ánh thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg tại địa phương quá nhiêu khê, khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Theo quy định, với tàu câu mực, để được hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ48), tàu phải có thời gian hoạt động trên biển từ 50 ngày trở lên. Ngư dân Nguyễn Minh, chủ tàu câu mực QNg 95454 TS, công suất 822 CV, cho biết phiên biển gần đây, ông không được hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ48 vì tàu của ông mới trên biển có... 48 ngày. “Gặp khi biển động, vì lý do an toàn, tôi phải quay tàu về rồi đến trạm biên phòng xác nhận. Nếu gian dối, thì tôi đợi thêm 2 ngày nữa cho đủ 50 ngày rồi đến xác nhận cũng được, nhưng tôi không muốn làm điều không trung thực đó, thành ra phải chịu thiệt thòi”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, việc làm thủ tục xuất, nhập tàu về bờ, xác nhận nguồn gốc hải sản, đối với tàu câu mực và tàu cá trên vùng cửa biển Sa Cần cũng rất nhiêu khê. Hiện tại, cửa Sa Cần không nằm trong 4 cảng biển trong quy định của tỉnh Quảng Ngãi được xác nhận làm thủ tục xuất, nhập của các chuyến biển, không phải là nơi được xác nhận nguồn gốc hải sản. Trong khi phải có các xác nhận nói trên ngư dân mới được xét hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ48. Vì vậy, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân cửa biển Sa Cần khi ra biển phải làm thủ tục tại cảng Sa Kỳ, hoặc Trạm biên phòng An Hải, đảo Lý Sơn; còn khi trở về thì chỉ làm thủ tục ở cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên, đường vào cảng Sa Kỳ luồng lạch nhỏ, bến đậu cũng nhỏ nên chỉ vài chiếc tàu câu mực đi vào là cảng biển này chật cứng. “Tàu câu mực là tàu to dềnh dàng. Đi vào cửa biển hay neo đậu tàu, đều bị bà con ngư dân ở đây phản ứng vì chiếm hết lối vào, rất khổ. Khó vậy, nên tôi chỉ làm thủ tục xác nhận sản phẩm mà không làm hồ sơ nhận hỗ trợ nhiên liệu nữa. Nhiều tàu câu mực ở đây cũng như tôi”, ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, mỗi tàu câu mực thường có 40 - 50 lao động, nhận hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển thì chia mỗi người chỉ vài triệu đồng. Tuy ít nhưng là hỗ trợ của nhà nước, là nguồn động viên ngư dân bám biển, không được nhận thì cũng buồn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ tàu câu mực mà cả các tàu cá khác khi vào cảng Sa Kỳ xác nhận thủ tục về đất liền, xác nhận nguồn gốc hải sản cũng rất khó khăn. Vì không phải lúc nào tàu cá cũng về ban ngày mà lúc giữa đêm nên phải đợi cơ quan chức năng. Trong khi đó, cán bộ xác nhận hải sản của cơ quan chức năng chỉ có vài người, không thể làm thủ tục, xác nhận nhanh cho tàu ngư dân.
Ông Nguyễn Thành Tín, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh (H.Bình Sơn), cho biết tàu cá khi về đậu cửa Sa Cần, muốn di chuyển qua cảng Sa Kỳ thì tốn 2 phuy dầu (400 lít), mất gần 5 triệu đồng. Vì nhiêu khê như vậy nên rất ít tàu câu mực và tàu cá của địa phương nhận được hỗ trợ theo QĐ48. Thống kê cho biết, đến nay toàn xã có hơn 110 tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì đợt 1/2020 chỉ có 16 tàu được nhận; đợt 2/2020 có 36 tàu được xét nhưng chưa nhận được hỗ trợ.
Ông Tín cho rằng, tàu câu mực mỗi năm đi biển 3 - 4 chuyến, nhưng không nhận được hỗ trợ nhiên liệu là bất cập. Trong khi có không ít ngư dân mua 2 tàu cá, chỉ 3 lao động/tàu, đi biển gần 20 ngày/chuyến (với các tàu cá khác, một chuyến biển chỉ quy định không dưới 15 ngày - PV), mỗi năm nhận 8 lần hỗ trợ theo QĐ48 thì quá thiệt thòi cho ngư dân câu mực.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.