Ngư dân sợ âu thuyền: Tàu chìm giữa nơi... trú bão

21/12/2015 09:00 GMT+7

Ngược với công năng là địa điểm an toàn của tàu bè trú đậu, ở một số tỉnh miền Trung, âu thuyền trở thành nỗi 'ám ảnh' với ngư dân.

Ngược với công năng là địa điểm an toàn của tàu bè trú đậu, ở một số tỉnh miền Trung, âu thuyền trở thành nỗi 'ám ảnh' với ngư dân.

Tàu cá QNa 91557 bị chìm trong âu thuyền An Hòa vào giữa tháng 9 vừa qua - Ảnh: Hoàng SơnTàu cá QNa 91557 bị chìm trong âu thuyền An Hòa vào giữa tháng 9 vừa qua - Ảnh: Hoàng Sơn
Dù biết trước âu thuyền An Hòa kém an toàn, nhưng do không kịp đưa tàu đi tránh cơn bão số 3 (xảy ra giữa tháng 9.2015) nên ông Lương Công Dũng (38 tuổi, trú thôn 4, xã Tam Giang) phải đưa tàu vào âu thuyền này trú tạm. Và điều ông lo sợ nhất đã xảy ra, chiếc tàu QNa 91557 bị chìm không phải do gió bão giật mà bị va đập.
“Nghe tin báo bão, tôi đã neo tàu cẩn thận. Nhưng không ngờ sau đó gió giật mạnh, tàu bị va đập vào các trụ bê tông. Thân tàu phía bên phải nứt toác dẫn đến bục nước. Tàu cứ thế chìm dần mà không cách chi cứu được”, ông Dũng xót xa kể và cho biết tàu chìm thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Nhiều ngư dân tại xã Tam Quang (H.Núi Thành) cho hay, đây không phải là lần đầu tiên các tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền An Hòa bị nạn khi tránh bão.
Theo tìm hiểu của PV, âu thuyền này được đầu tư gần 80 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và ngân sách nhà nước, xây dựng trên diện tích hơn 36 ha mặt nước. Dự tính là nơi neo đậu cho cả ngàn tàu cá khi có bão lớn nên công trình xây dựng 70 trụ neo bằng bê tông. Tuy nhiên, các trụ neo lại được bố trí cự ly chỉ 50 m. Khoảng cách các trụ quá gần là nguyên nhân chính khiến các tàu bị hư hỏng do va đập. Vì vậy, các ngư dân dày kinh nghiệm “thà chạy ra xa” chứ nhất quyết không đưa tàu vào âu thuyền.
Ngư dân Phạm Xuân Anh (51 tuổi, trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cho biết 5 năm qua tàu vào âu thuyền An Hòa tránh bão mỗi lần đều có vài chiếc hư hỏng. Không chỉ thế, âu thuyền còn bộc lộ hàng loạt bất cập như: luồng lạch quá cạn và đang dần bị bồi lấp, vị trí âu thuyền đúng ngay hướng gió lùa mạnh nhất… “Cần thiết phải có đê chắn sóng cho âu thuyền. Bởi với vị trí như hiện nay, cứ mỗi lần có bão, mặt nước trong âu thuyền không khác gì sóng biển đang xô cao. Tàu bị va đập nhau nên việc hư hỏng là khó tránh khỏi”, ông Anh nói.
Bức xúc của ngư dân đã phản ánh đến nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam cũng như không ít cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, đã 5 năm kể từ ngày âu thuyền đưa vào sử dụng, mọi kiến nghị vẫn chưa được giải quyết. Sở NN-PTNT tỉnh cho rằng, do chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 nên còn nhiều bất cập, cần phải tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với hàng loạt hạng mục như: xây dựng 2 tuyến đê chắn sóng, đường công vụ ven bờ, nạo vét luồng và khu neo đậu, bổ sung phao báo hiệu luồng, trụ đèn báo hiệu cửa vào… Ước tính kinh phí không dưới 120 tỉ đồng. Thế nhưng, T.Ư vẫn chưa bố trí vốn nên ngư dân phải chờ.
Trong khi đó, âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên) cũng khiến nhiều ngư dân khiếp sợ, không dám đưa tàu thuyền vào tránh trú khi có bão. Lý do, trước khi âu thuyền được xây dựng có một rừng dừa nước ở phía bắc bao bọc. Thế nhưng khi làm xong âu thuyền, tấm “lá chắn” không còn và phải hứng gió rất mạnh. Ngư dân né tránh âu thuyền cũng vì lo ngại va đập gây hư hỏng tàu. Một người dân sống cạnh âu thuyền cho hay, khi có gió bão từ cấp 8 trở lên, hầu hết tàu cá đều dạt về khu rừng dừa nước tại Cẩm Thanh (TP.Hội An) hoặc Bình Giang (H.Thăng Bình) tạm lánh vì kín gió hơn âu thuyền Hồng Triều.
Theo Ban quản lý dự án (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh), âu thuyền này được đầu tư gần 44 tỉ đồng trên diện tích hơn 10 ha mặt nước. Công trình có thể đáp ứng neo đậu khoảng 1.000 tàu công suất đến 350 CV. Tuy nhiên, do sử dụng đã 6 năm qua nhưng không được duy tu thường xuyên nên cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ban quản lý đã đề xuất nâng cao trình đỉnh kè từ 1,8 m lên 2,5 m để tránh ngập lũ, đồng thời trồng cây để chắn gió…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.