Ngoại tệ ngày 19.3: Giá USD tăng vọt ‘đè’ bảng Anh, đô-la Úc, euro...

Thanh Xuân
Thanh Xuân
19/03/2020 08:58 GMT+7

Giá USD tiếp tục tăng mạnh trong ngày 19.3 khiến các ngoại tệ khác giảm sâu.

Ngân hàng Nhà nước ngày 19.3 đã tăng tỉ giá trung tâm thêm 10 đồng, lên 23.242 đồng mỗi USD. Các ngân hàng thương mại chưa thay đổi giá USD đầu ngày sau khi tăng mạnh chiều 18.3.
Giá mua USD tại Vietcombank tăng lên 23.200 đồng/USD, bán ra 23.370 đồng/USD. Các ngoại tệ khác tại ngân hàng này ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp giảm khá mạnh. Cụ thể bảng Anh giảm 1.058 đồng, mua vào 26.588 đồng, bán ra 27.150 đồng; đô-la Úc giảm 500 đồng, mua vào 13.091 đồng, bán ra 13.638 đồng; đô-la Canada giảm 265 đồng, mua vào 15.763 đồng, bán ra 16.257 đồng; france Thụy Sĩ giảm 245 đồng, còn 23.535 đồng ở chiều mua vào và bán ra 24.274 đồng; euro giảm 157 đồng, mua vào còn 24.932 đồng, bán ra 26.071 đồng…
Trên thị trường thế giới, giá USD “tỏa sáng”, chỉ số USD–index tăng 1,4 điểm, lên 100,92 điểm, có thời điểm tăng từ 99,5 điểm lên 101,5 điểm. Đây là mức cao nhất của USD trong vài năm trở lại đây. Các nhà đầu tư tiếp tục chuyển dịch dòng tiền vào USD khi thị trường chứng khoán Mỹ lại tiếp tục giảm mạnh.
Chỉ số Dow Jones giảm 1.338,64 điểm, tương ứng 6,3%, còn 19.898,92 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 131,09 điểm, tương đương 5,18%, còn 2.398,1 điểm; Nasdaq giảm 344,94 điểm, tương ứng 4,7%, còn 6.989,84 điểm…
Ngoài các chính sách hỗ trợ vừa đưa ra, Chính phủ Mỹ đang xem xét dừng 60 ngày đối với các khoản bị tịch thu và trục xuất đối với những khoản thế chấp của Fannie, Freddie. Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang cho biết, việc cứu trợ nhằm mục đích hỗ trợ các chủ nhà đang vật lộn để thanh toán thế chấp do tác động kinh tế của virus. Việc cứu trợ sẽ được áp dụng cho 28 triệu chủ nhà với các khoản thế chấp được hỗ trợ bởi Fannie và Freddie, chiếm khoảng 44% thị trường thế chấp gia đình.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát động một chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro (820 tỉ USD) trong nỗ lực mới nhất nhằm trấn an thị trường và bảo vệ nền kinh tế khu vực đồng euro đang phải vật lộn để đối phó với dịch Covid-19. Ở châu Âu, các quan chức đang cân nhắc kích hoạt một quỹ cứu trợ khu vực để giúp các quốc gia có tài chính công căng thẳng khiến chi phí vay của họ tăng đột biến sau khi công bố các biện pháp chi tiêu bổ sung.
Các biện pháp đưa ra bao gồm một chương trình mua tài sản tạm thời để mua chứng khoán khu vực công và tư nhân, trị giá 750 tỉ euro và kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2020. Chương trình sẽ bao gồm tất cả các tài sản đủ điều kiện theo chương trình nới lỏng định lượng hiện tại và sẽ được mở rộng sang các giấy tờ thương mại có chất lượng tín dụng đủ. Nợ chính phủ Hy Lạp sẽ được đưa vào chương trình; tiêu chuẩn tài sản thế chấp sẽ được nới lỏng bằng cách điều chỉnh một số thông số rủi ro. Chương trình sẽ tiếp tục cho đến khi ECB phán đoán giai đoạn khủng hoảng của đại dịch sẽ kết thúc, nhưng không phải trước khi kết thúc năm nay. ECB sẽ xem xét tăng giới hạn tự áp đặt đối với việc nắm giữ QE và sẵn sàng tăng quy mô các chương trình mua tài sản của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.