Nghiên cứu phương án cách ly người khỏe ?

21/03/2020 15:06 GMT+7

Đó là đề xuất của TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng, diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài hơn so với dự tính.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Tính đến 6 giờ 5 hôm nay (21.3), tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đã lên tới con số 11.129. Tổng số ca nhiễm là 257.321.
Dịch bệnh có thể kéo dài 
Tại Việt Nam, dù Chính phủ liên tục đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát. Nhưng trong khoảng hơn 2 tuần trở lại đây, tình hình dịch bệnh có nhiều chuyển biến phức tạp. Số ca nhiễm đã lên đến 91 người. 
Theo dự báo ban đầu, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong tháng 3 và các hoạt động du lịch, kinh tế có thể rậm rịch trở lại vào tháng 4. Tuy nhiên, thực tế dịch bệnh có thể kéo dài hơn, hầu hết các ngành kinh tế đều đang "đóng băng", tất cả dồn sức chống dịch. Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hầu hết các dịch vụ vui chơi giải trí đã tạm ngưng hoạt động. Người dân thành phố hạn chế tối đa ra đường, hàng vạn người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. 

KTS Ngô Viết Nam Sơn là người có nhiều năm đóng góp, hiến kế cho sự phát triển đô thị, quy hoạch TP.HCM

Ảnh: Khả Hòa

Tập trung tối đa mọi lực lượng để phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM đã lập ra 8 khu cách ly cấp thành phố, 14 khu cách ly tập trung tại các quận, huyện và nhiều cơ sở lưu trú vừa được đưa vào danh sách điểm cách ly có trả phí để cách ly toàn bộ người trở về từ vùng dịch hoặc nghi nhiễm.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá những chính sách mà thành phố nói riêng cũng như Chính phủ nói chung đang thực hiện là rất tốt. Tuy nhiên, không ai đoán trước được dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng 1 thành phố, 1 vùng đô thị, 1 quốc gia không thể đình chỉ mọi hoạt động kinh tế trong thời gian dài. Do đó, cần có phương án thích nghi, kích hoạt nền kinh tế song song với kiểm soát dịch.
Cách ly người khỏe ra khỏi người bệnh ?
Dẫn nhận định của một nhà khoa học người Đức rằng bằng cách lây lan trong không khí, virus Corona chủng mới có thể tồn tại trong vài năm, đại dịch Covid-19 có nguy cơ kéo dài thêm hai năm nữa. Nếu tiếp tục chỉ bàn biện pháp cách ly những người bệnh, khu bệnh và hạn chế người dân ra đường như hiện nay thì toàn bộ nền kinh tế, xã hội sẽ bị tác động nghiêm trọng, ngưng trệ tới mức kiệt quệ và rất khó để vực dậy sau dịch.
Do đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất cần tính tới kịch bản "cách ly ngược" tức là cách ly những người khỏe khỏi người bệnh. 
"Nếu tất cả chỉ lo chống dịch thì ai đi làm, làm gì, tiền đâu mà sống? Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đóng góp tới hơn 45% GDP cả nước. Nếu bảo vệ được TP.HCM, trong vành đai vùng đô thị bao gồm Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... thì đây sẽ vừa là động lực kích hoạt kinh tế, vừa là khu vực tạo ra nguồn thu để nuôi bộ máy chống dịch. Với phương án cách ly ngược, tất cả những người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh cần điều trị được đưa ra vùng ngoài, ít dân, đảm bảo tuyệt đối trong ranh giới vùng cách ly người khỏe mạnh hoàn toàn không có virus. Trong vùng này, mọi sinh hoạt của người dân, hoạt động kinh tế diễn ra bình thường. Bất cứ ai đi ra khỏi ranh giới an toàn, sau đó trở lại sẽ phải đưa vào cách ly 14 ngày. Mô hình này có thể ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Như TP Vũ Hán của Trung Quốc cũng hơn 10 triệu dân giống TP.HCM và cũng bị phong tỏa hoàn toàn. Tất nhiên, chúng ta phong tỏa vùng với ý nghĩa và mục đích khác", ông Sơn dẫn giải.
Với cách tiếp cận như vậy, theo ông Sơn, các vùng đô thị lớn sẽ bổ trợ được cho nhau. Đơn cử Bình Dương, Đồng Nai có thể cung cấp thực phẩm cho TP.HCM, còn TP.HCM cung cấp hoạt động công nghệ, kết nối... Thay vì giao thương kết nối toàn quốc hay quốc tế thì khi mùa dịch kéo dài, sẽ giới hạn trong vùng đô thị. Kịch bản này nên ưu tiên triển khai tại các vùng kinh tế lớn của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương có hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Sơn, khi đô thị với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội "đóng băng", ngưng trệ 1 thời gian dài, sau khi dịch qua đi là thử thách mới. Do đó, bên cạnh Ban phòng chống dịch Covid-19, cần đội ngũ cán bộ, nhân viên các sở, ngành tận dụng thời gian này nghiên cứu những chính sách phục hồi đô thị sau dịch bệnh.
"Việc này cần sự chung tay, góp sức, nhìn dưới góc độ đa ngành. Đơn cử đối với giáo dục, có thể cải cách quy về tín chỉ cho chương trình học của học sinh, sinh viên, cho phép các em trả nợ dần các môn trong các mùa hè để giảm nhẹ sinh hoạt cho đô thị, tránh dồn ứ sau dịch. Hay như trong lĩnh vực kinh tế, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế thiệt hại nhưng cũng có một số ngành được lợi. Cần có sự cân đối, khuyến khích bên được lợi chia sẻ khó khăn cùng bên thiệt hại, đẩy mạnh kinh tế online...", vị chuyên gia này đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.