Nghiêm trị việc đội lốt, núp bóng hàng Việt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/07/2019 07:38 GMT+7

Nguy cơ hàng hóa VN bị áp thuế cao khi vào một số thị trường xuất khẩu chính là một trong những chủ đề nóng nhất được bàn thảo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, diễn ra hôm qua 4.7.

“Nguy cơ kép” cho xuất khẩu

Trong phát biểu khai mạc lẫn phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại phải đặc biệt quan tâm đến câu chuyện núp bóng hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi nhập vào các nước có hiệp định thương mại (FTA) với chúng ta. Người đứng đầu Chính phủ cho hay đây không phải là lần đầu vấn đề này được đề cập, tuy nhiên, thời gian gần đây một số ngành chức năng mất cảnh giác, doanh nghiệp (DN) cả FDI lẫn trong nước đã lợi dụng dẫn đến tình trạng hàng Việt khi xuất khẩu bị áp thuế cao, mới nhất là trường hợp của thép.
“Chiều nay, tôi sẽ ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ. Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 389 phải làm việc này từ cơ sở và xử lý vi phạm. Cần có những chuyên án lớn, nhất là các TP để không biến VN thành chỗ hàng hóa không phải sản xuất ở đây mà được gắn nhãn hàng Việt”, Thủ tướng nói.

Trước đó, lãnh đạo các tỉnh Bắc Kạn, Sóc Trăng cùng tỏ ra lo ngại trước việc một số nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào bắt tay với một số DN để cùng làm ăn, nhưng có những dấu hiệu không rõ ràng, thậm chí nguy cơ làm ăn không đàng hoàng, để hưởng lợi từ xuất xứ hàng hóa.
Chia sẻ các mối lo trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, tác động cuộc xung đột thương mại đã tạo làn sóng đầu tư gia tăng mạnh vào VN, cộng hưởng thêm với việc chúng ta tham gia nhiều FTA nên VN đang thu hút rất mạnh các nhà đầu tư quốc tế, nhất là với các mặt hàng được hưởng nhiều ưu đãi thuế.
“Thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu của VN vào một số thị trường mới - thị trường mà chúng ta tham gia FTA, tăng trưởng cao, như với Canada, Mexico từ 30 - 40%. Trong khi đó, đầu tư vào ta cũng tăng mạnh, cá biệt có nước tăng đầu tư tới 400%. Đã đến lúc rà soát, đánh giá lại thực chất hoạt động đầu tư để xem sự phù hợp, tránh lợi dụng để truyền tải hàng hóa, núp bóng xuất xứ”, ông Trần Tuấn Anh nói và cũng cảnh báo “nguy cơ kép” nếu bị áp thuế cao do lẩn tránh xuất xứ. Khi đó, VN không có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, và các mặt hàng tăng trưởng nóng trong thời gian qua rất dễ gặp nguy cơ này.
Trước tình thế đó, Bộ Công thương đã có đề án phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá, xem xét để tách bạch hàng nhập về tiêu thụ nội địa hay tái xuất khẩu. Cùng với đó là kiểm soát chặt quy trình cấp C/O chứng nhận hàng hóa, nhất là với các thị trường có nguy cơ áp đặt trừng phạt thương mại.
Thủ tướng nhận định một trong những điểm sáng nổi bật nhất trong nửa đầu năm là hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, mà điển hình là việc ký kết Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư với châu Âu. Điều này, cùng với CPTPP và một chục FTA khác, đã biến VN thành công xưởng thế giới, đón sự dịch chuyển của các tập đoàn lớn đến đặt cứ điểm làm ăn.
“Nhưng trong hoàn cảnh đó càng phải chọn lọc đầu tư. Đề án thu hút FDI, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị với tinh thần lớn là lựa chọn các tập đoàn công nghệ cao, ngành nghề thân thiện với môi trường; kết hợp được kinh tế ngoài nước với DN trong nước”, Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh việc này và chống gian lận xuất xứ phải làm cùng nhau thì mới tận dụng được lợi thế mà các FTA mang lại.

Sớm có chế tài nghiêm về giải ngân

Kết luận một ngày làm việc, Thủ tướng cho biết Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu năm có 6 điểm sáng tích cực. Bên cạnh hội nhập kinh tế thì tăng trưởng GDP 6,76% là kết quả khả quan, với công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế và vĩ mô được đảm bảo; dự trữ ngoại hối lên cao. Chính sách tiền tệ, giá cả được điều hành linh hoạt, chủ động, góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Không những vậy, thu chi ngân sách tích cực khi lần đầu tiên sau nhiều năm mới 6 tháng mà ngân sách T.Ư đã vượt trên 53% so với dự toán...
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn và yêu cầu không thể lơ là, chủ quan. Đó là các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại, như nông lâm nghiệp, dịch vụ. Tuy 6 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 1,64 tỉ USD song xuất khẩu tăng tưởng có nguy cơ chậm lại, như thị trường trọng điểm là EU giảm 0,4%, Trung Quốc chỉ tăng 1%.
Đặc biệt, Thủ tướng tiếp tục bức xúc trước tình trạng giải ngân vốn ODA và đầu tư công vẫn là điểm nghẽn. “Tất cả bộ trưởng, chủ tịch địa phương đều phải kiểm điểm. Chính phủ sẽ sớm có chế tài nghiêm về giải ngân. Ở ngành nào, bộ nào, địa phương nào chậm thì sẽ bị điều chuyển vốn cho nơi nhanh hơn, kể cả với bộ Công an, Quốc phòng”, Thủ tướng cảnh báo.

DN vừa và nhỏ chưa biết về EVFTA là trách nhiệm của VCCI

Chiều 4.7, trao đổi về hiệp định thương mại EVFTA và EVIPA, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán
Hiệp định EVFTA, cho biết VN và Liên minh Châu Âu vẫn phải trải qua một bước nữa để đưa 2 hiệp định vào thực thi, là trình Quốc hội VN và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Khi đó thì cơ hội và thách thức thực sự mới tới.
Thủ tướng sẽ quyết định bộ nào chuẩn bị hồ sơ trình, nhiều khả năng Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn và Bộ KH-ĐT chuẩn bị trình EVIPA. Với Liên minh Châu Âu, trong tuần này sẽ trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn và có thể sẽ có hiệu lực tạm thời trước khi 28 nước thành viên phê chuẩn.
Trước thông tin 80% DN vừa và nhỏ chưa biết gì về EVFTA, ông Khánh cho biết, đây là trách nhiệm của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), vì VCCI là đại diện cho các DN.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.