'Nghẽn' giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam

07/05/2019 06:50 GMT+7

Giao thông là nút thắt được các đại biểu đề cập nhiều nhất tại hội nghị “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng 6.5 tại Đồng Nai.

Tắc nghẽn từ đường bộ...

Ảnh: Đức Nguyễn
       
Cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, liên kết vùng kinh tế hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết nối giao thông. Nếu không kết nối được giao thông thì xem như kết nối kinh tế vùng thất bại. “Tôi đi từ Lào Cai xuống Vân Đồn (Quảng Ninh) toàn đường cao tốc, rất sướng nhưng nhìn lại giao thông vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam thì không được như vậy. Đường Vành đai 2 chỉ có 64 km chưa kết nối được, Vành đai 3, 4 thì dở dang, cao tốc cũng chưa có gì. T.Ư cần ngồi lại, cái nào thuộc quốc gia thì Bộ GTVT quyết định, cái nào trong vùng thì các tỉnh, thành tính toán nguồn lực để đầu tư”, ông Lịch phát biểu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía nam, cho biết các dự án kết nối giao thông trong vùng đang được triển khai giữa các địa phương như Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh)... Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận: “Hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Vận tải đường sắt, đường thủy hầu như chưa được quan tâm đúng mức”. Từ đó, ông Phong kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư các tuyến đường giao thông như mở rộng QL1 và QL1K; kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến TP.Biên Hòa (Đồng Nai), đường Vành đai 3 (đoạn Bình Chuẩn - QL22); đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (Bình Phước) để kết nối cụm cảng phía đông (Phú Hữu, Tân Cảng, ITC) với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh; mở rộng QL13...
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng Long An vừa thuộc vùng KTTĐ phía nam vừa thuộc vùng ĐBSCL, là cầu nối phát triển giữa 2 vùng. Khu vực phía đông của tỉnh quy hoạch phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ và thoát lũ, tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, chế biến nông sản, nhằm giảm tải cho TP.HCM. Các vùng còn lại là vùng trữ nước, điều tiết nước, bảo tồn cảnh quan sinh thái, giảm thiểu xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL… Thế nhưng theo ông Cần, quy hoạch, phát triển hệ thống cao tốc quá chậm. Các quốc lộ kết nối giữa TP.HCM và Long An quá hẹp, quy hoạch đã lâu nhưng chưa có vốn đầu tư...
Ùn tắc giao thông đang là nút thắt gây nghẽn cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam Ảnh: Ngọc Dương

Tới hàng không, đường thủy

Không còn đói nghèo ở vùng kinh tế động lực phía nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương rà soát lại sự phát triển, có biện pháp đồng bộ bố trí đội ngũ xứng tầm, thường xuyên đôn đốc kiểm tra… Từ năm 2020, 4 tỉnh còn lại trong vùng phải tự cân đối được ngân sách, tiếp tục ổn định KT-XH đảm bảo quốc phòng, an ninh… của vùng. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải có chính sách thu hút các DN, các thành phần kinh tế, đặc biệt là tạo điều kiện, không gian, nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi hơn. Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Không còn nghèo đói ở vùng kinh tế động lực phía nam.
Đồng tình với ý kiến của TS Trần Du Lịch hạ tầng giao thông vùng KTTĐ phía nam đang bị tắc nghẽn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, không chỉ đường bộ mà hàng không, đường thủy của vùng cũng nghẽn. “Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, sân bay Côn Đảo hiện không thể đáp ứng được những máy bay lớn. Bộ đang tập trung quy hoạch, xây dựng nhà ga T3, để đảm bảo đón 50 triệu hành khách/năm; sân bay Côn Đảo cũng đang được nghiên cứu mở rộng đón máy bay A320, A321. Riêng sân bay quốc tế Long Thành, trong tháng 10.2019, kỳ họp cuối năm của Quốc hội, chúng tôi sẽ báo cáo. Nếu Quốc hội biểu quyết thống nhất, Chính phủ phê duyệt thì Bộ sẽ triển khai các công tác tiếp theo để cuối năm 2020 bắt đầu khởi công xây dựng”, ông Thể nói.
Cũng theo ông Thể, hệ thống cảng biển ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đang trong tình trạng quá tải. Còn Cái Mép - Thị Vải vẫn đang là điểm nghẽn do việc kết nối giao thông khai thác. Về đường thủy nội địa, Bộ GTVT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu 2 dự án kết nối TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương với cảng Cái Mép - Thị Vải, nếu được đầu tư thì sẽ cải thiện được giao thông vận tải biển rất lớn. “Hàng không và hệ thống cảng biển nếu được tháo gỡ thì chúng ta sẽ thu hút được đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển kinh tế cho khu vực”, ông Thể nhận định.
Tương tự về đường sắt, Bộ GTVT cũng đang trình Quốc hội dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để tạo thêm kết nối trong khu vực. Riêng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cũng đang lựa chọn phương án để báo cáo Chính phủ. Còn đường bộ, phải tập trung các nguồn lực để thực hiện như Vành đai 3 (khoảng 90 km), Vành đai 4 (khoảng 190 km). Hai dự án này, Bộ GTVT đã nghiên cứu dự án khả thi nhưng để triển khai cần nguồn lực rất lớn, kể cả ngân sách cũng như huy động các nguồn lực xã hội.

Khơi thông nguồn lực để tăng trưởng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng KTTĐ phía nam đối với nền kinh tế - xã hội của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước có 4 vùng KTTĐ với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng KTTĐ phía nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đối với 8 tỉnh, thành phố trong vùng đều có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Thủ tướng cho rằng sự năng động của vùng KTTĐ phía nam còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo và tâm huyết. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá trong kinh doanh, giương cao ngọn cờ phát triển đóng góp cho đất nước, đồng thời là nơi đi đầu trong triển khai chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm hành chính công…
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý vùng KTTĐ phía nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn; liên kết vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Các chỉ số PAPI, PCI của các địa phương trong vùng chưa cao, mặc dù đây là vùng kinh tế động lực của cả nước. Cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học, hợp lý. Phân bổ không gian, lực lượng sản xuất của vùng kinh tế động lực trong những năm gần đây chưa cao, còn tình trạng DN kêu ca. Chưa có đánh giá tổng kết mô hình liên kết vùng, cơ chế phối hợp các ngành, các tỉnh chỉ dừng lại ở mức cam kết, thỏa thuận của từng địa phương…
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía nam tiếp tục giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo. Cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Song song đó là cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân để đến năm 2020 có thể khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.