Nghề làm nhang ở Dĩ An

04/05/2015 13:34 GMT+7

Xuất hiện cách đây khoảng 50 năm nhưng nghề làm nhang thủ công ở Dĩ An (P.Dĩ An, TX.Dĩ An, Bình Dương) vẫn âm thầm tồn tại.

Xuất hiện cách đây khoảng 50 năm nhưng nghề làm nhang thủ công ở Dĩ An (P.Dĩ An, TX.Dĩ An, Bình Dương) vẫn âm thầm tồn tại.

Bà Bùi Thị Bạch có hàng chục năm theo nghề chẻ tăm nhangBà Bùi Thị Bạch có hàng chục năm theo nghề chẻ tăm nhang - Ảnh: Huy Anh
Nghề làm nhang thủ công tại Dĩ An không chỉ tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa trên mảnh đất Bình Dương mà còn nuôi sống được những người lỡ theo “nghiệp” của gia đình. Ngoài ra, cũng chính họ góp phần gìn giữ, phát triển được ngành nghề ở địa phương.
Tre phải lấy từ thượng nguồn sông Đồng Nai
Ghé thăm bà Bùi Thị Bạch (79 tuổi, ngụ KP.Bình Minh 2, P.Dĩ An), một người được coi là có kỹ thuật chẻ tăm nhang điêu luyện nhất hiện nay tại “xóm nhang Dĩ An”. Với cây rựa trên tay, những thanh niền tre lớn dần trở thành những cây tăm nhang nhỏ, đều thật như nhau. Một thẻ tre nhỏ được chia làm 2, 4, 6, 8… rồi trở thành cái tăm nhang chỉ trong một thoáng lia cây rựa đã mòn theo tuổi của bà.
Bà Bạch cho hay: “Tôi không biết nghề làm nhang có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ tôi đã học theo người mẹ để làm kiếm thu nhập. Từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể đảm nhận một số khâu trong quá trình làm nhang như chẻ tăm nhang, phơi, se nhang, tẩm hương liệu... Tuy nhiên, để chẻ được những tăm nhang đều, người chẻ phải dùng ngón tay cảm nhận độ dày, mỏng và thật khéo chứ không là rách tay ngay”.
Công đoạn phơi nhang tại cơ sở Tân ThànhCông đoạn phơi nhang tại cơ sở Tân Thành - Ảnh: Huy Anh
Theo những người làm nhang lâu năm tại “xóm nhang Dĩ An” thì tất cả các nguyên liệu làm nhang phải từ tự nhiên. Ví như thân nhang cũng phải chọn từ tre, nứa già lấy ở vùng rừng Nam Cát Tiên trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Còn nhang trầm, một loại nhang rất quý và hiếm hiện nay thì phải được trộn thêm bột trầm hương. Nghề làm nhang có nhiều công đoạn như chuẩn bị bột dính, bột keo, mạt cưa, bột thơm… và thân nhang.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, người thợ chính phải có nhiệm vụ trộn những loại bột này thành một hỗn hợp vừa đủ để khi nhúng thân nhang vào chúng sẽ bám lên.
“Làm nhang truyền thống theo tôi không thể nói bước nào quan trọng hơn bước nào mà tất cả các bước đều quan trọng như nhau. Ví như khi trộn hỗn hợp để nhúng que nhang, người trộn phải canh chuẩn tỷ lệ các thành phần, bởi bột không đều, nhang sẽ cháy không đều và cũng không kết dính; còn phơi nhang, với những loại nhang làm từ nguyên liệu tự nhiên thì bắt buộc phải được phơi dưới ánh nắng mặt trời để đảm bảo nguyên liệu từ từ hòa quyện vào nhau”, bà Bạch chia sẻ.
Khó cạnh tranh nổi với nhang công nghiệp
Ông Phạm Văn Tân, Chủ cơ sở sản xuất nhang Tân Thành (KP.Nhị Đồng 2, P.Dĩ An) cho biết làng nghề truyền thống này đang có dấu hiệu mai một bởi nguồn nguyên liệu ngày càng ít đi, công việc không ổn định nên nhiều người đã bỏ nghề. Hơn nữa, nguồn hàng trên thị trường ngày càng nhiều, vừa đẹp, vừa rẻ nên mặt hàng “xóm nhang Dĩ An” khó cạnh tranh lại. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến làng nhang từng thu hút hàng trăm lao động nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Đóng gói nhang là công đoạn cuối cùng trước khi đưa đi tiêu thụ Đóng gói nhang là công đoạn cuối cùng trước khi đưa đi tiêu thụ - Ảnh: Huy Anh
Ông Tân nói: “Những loại nhang làm công nghiệp được bán nhiều trên thị trường hiện nay có giá chỉ khoảng 20.000 đồng/bó/100 cây. Còn với nhang làm bằng nguyên liệu tự nhiên như tại “xóm nhang” này, do nguyên vật liệu hiếm, vận chuyển khó khăn nên chi phí cao, giá chắc chắn phải từ 50.000 đồng/bó/100 cây trở lên. Vì vậy, hầu hết nhang ở Dĩ An chỉ còn bán được cho những mối hàng quen biết, những người ưa sử dụng hàng từ tự nhiên”.
Nhìn những người như bà Bạch cứ cần mẫn cầm rựa chẻ từng thanh niền tre, chẻ cả buổi mới được nửa bó niền với tiền công 20.000 đồng, ai chứng kiến cũng ngậm ngùi. Giữa thời buổi công nghiệp, một người yêu nghề, say nghề như bà có cố gắng lắm cũng chỉ kiếm ra khoảng 40.000 đồng/ngày từ việc chẻ tăm nhang thuê cho các chủ cơ sở sản xuất nhang thì làm sao mà tồn tại được. Nếu không có sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống này thì có lẽ “xóm nhang” tại Dĩ An cũng sẽ như lời bà Bạch: “Chắc chẳng bao lâu nữa, chính người dân ở vùng đất này cũng không còn được sử dụng loại nhang mà một thời là niềm tự hào của họ. Đơn giản vì hiện nay, nhang hóa chất đang được bày bán tràn lan, chiếm hầu hết thị phần của những que nhang thuần khiết từ tự nhiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.