Ngành dâu tằm tơ Việt Nam gặp khó vì phụ thuộc trứng giống Trung Quốc

27/12/2017 17:36 GMT+7

Hội thảo "Thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành dâu tằm, tơ lụa tỉnh Lâm Đồng" đã diễn ra chiều 26.12 tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Theo ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ (DTT) VN, trong quá trình sản xuất DTT thì trứng giống tằm đóng vai trò quan trọng, chất lượng trứng giống không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả lứa tằm và thu nhập của nông dân, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng kén.
“Tuy nhiên ở VN nói chung và Lâm Đồng nói riêng, hiện nay toàn bộ giống tằm lai lưỡng hệ đều nhập khẩu gần như 100% từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Đây là thách thức lớn đối với ngành DTT VN hiện nay”, ông Thọ cho biết.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DTT Trung ương, chia sẻ: “VN chưa có bộ giống dâu, giống tằm, đặc biệt là giống tằm lưỡng hệ năng suất chất lượng cao nuôi được quanh năm trong điều kiện khí hậu của VN. Hằng năm, số lượng trứng tằm lưỡng hệ cấp 2 của Trung Quốc nhập lậu vào VN chiếm khoảng 85% nên không chủ động được kế hoạch sản xuất, không kiểm soát được chất lượng và dịch bệnh”.
Không chỉ lo thách thức từ trứng tằm, ngành DTT VN còn đang đối mặt với khó khăn do việc đầu tư mất cân đối giữa máy móc thiết bị với việc phát triển vùng nguyên liệu.
“Hiện nay ở Lâm Đồng có 40 dãy ươm tơ tự động (cả nước có 41 dãy) và đang lắp thêm 10 dãy nữa tại khu công nghiệp Phú Hội (H.Đức Trọng). Thế nhưng, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.000 ha dâu (cả nước 8.000 ha), nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất đạt 30 tấn/ha và nuôi tằm không bị hỏng thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng công suất máy ươm tơ mà các doanh nghiệp và các hộ dân đã đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua đã có tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp làm thị trường không ổn định và đã có vài doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phá sản. Hiện nay, mỗi năm VN phải nhập khẩu hàng ngàn tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil để làm gia công cho Công ty Matsumura xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Ý, Ấn Độ, Pháp… Ngay từ bây giờ, nếu VN không có chiến lược phát triển mạnh ngành DTT thì 10 - 15 năm nữa, chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất”, ông Đặng Vĩnh Thọ, nói thêm.
Trong khi đó, theo ông Kosho Matsunaga, Tổng giám đốc Công ty Matsumura (Nhật Bản), trong vòng 20 năm qua, nhu cầu về tơ tằm trên thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2000, sản lượng tơ thô của thế giới đạt 78.000 tấn, đến năm 2016, con số này đạt khoảng 132.000 tấn. Gần đây, thị trường tơ thô nguyên liệu là 20 tỉ USD, nếu chuyển thành sản phẩm hoàn tất, giá trị tăng lên 10 lần so với nguyên liệu.
“Bảo Lộc có những điều kiện lý tưởng cho ngành tơ tằm bởi vì có thể thu hoạch 10 vụ kén/năm. Tôi nghĩ nên tạo ra những giống tằm mới thích ứng với điều kiện tại Bảo Lộc và hệ thống nuôi tằm tiên tiến. Như vậy chúng ta mới sản xuất được kén có chất lượng cao để làm ra tơ thô cao cấp. Điều quan trọng hơn là VN cần phải mở rộng nền công nghiệp tơ tằm. Có tơ thô tốt nhất mới làm ra được lụa tốt nhất. Đây là thời điểm thích hợp để VN nâng cao thương hiệu tơ tằm của mình trên thế giới. Điều quan trọng hiện nay, VN phải làm cho sản phẩm tơ thô của mình được thế giới biết đến nhiều hơn”, ông Kosho Matsunaga nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.