Ngành da giày: Đi tìm lời giải tăng trưởng

02/07/2005 10:59 GMT+7

Một thời, da giày trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhà máy phát triển rộng khắp, chủ yếu sản xuất mũ giày qua Đông u. Nhiều tên tuổi như Hiệp Hưng, Da Sài Gòn, Giày Sài Gòn, Giày An Lạc, Phú Lâm, Thượng Đình (Hà Nội), Thăng Long… được thương trường biết đến. Nhưng, đó là thời đã qua!

Giá trị gia tăng thấp, quy mô thu hẹp

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) nhà nước gặp khó khăn, có những DN đứng trên bờ vực phá sản bởi những món nợ khổng lồ. Trong khi đó, DN đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển, có quy mô rất lớn, có nơi phát triển cả một khu công nghiệp đô thị giày như PouYuen, năng lực sản xuất bằng tất cả các DN quốc doanh hiện có cộng lại.

Vì sao các DN da giày quốc doanh ngày càng sa sút? Nguyên nhân chủ yếu chính là do năng lực quản lý của những người được giao trọng trách lãnh đạo DN quá kém, sự kiểm tra giám sát của Bộ Công nghiệp lơi lỏng, thiếu chiến lược phát triển ngành.

Một số giám đốc DN kiếm tiền riêng cho mình bằng cách mở công ty riêng do người thân đứng tên, kéo các khách hàng sộp về với mình, và đầu tư một số xưởng sản xuất phụ liệu cung cấp trở lại cho chính DN của mình với giá cao.

Còn một lý do khác, do cơ chế DN nhà nước quá nặng nề, bộ máy quản lý cồng kềnh, xoay trở chậm, quyết định một đơn hàng mất nhiều thời gian, làm lỡ mất thời cơ. Những yếu kém này không được xử lý đúng lúc, nên một thời gian dài, các DN nhà nước giậm chân tại chỗ và cuối cùng thì… tụt dốc.

Theo số liệu từ Hiệp hội Da Giày Việt Nam, giá trị gia tăng trong các sản phẩm da giày khá thấp, khoảng 35%-40%, do các DN chủ yếu làm gia công, nguyên liệu phải nhập khẩu, lệ thuộc nhiều vào các đối tác chỉ định. Từ năm 2004, khuynh hướng đặt hàng thay đổi (yêu cầu mẫu mã đa dạng và phức tạp nhưng số lượng nhỏ), các DN sản xuất giày vải không chuyển hướng kịp, gặp nhiều khó khăn.

Đó cũng là lý do thời gian gần đây, rất ít doanh nghiệp đầu tư tăng năng lực sản xuất giày. Năng lực của ngành da giày tăng mạnh trong thời gian qua chính là nhờ các DN vốn đầu tư nước ngoài đầu tư đón thời cơ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày tăng nhanh từ vài trăm triệu USD lên 2,7 tỷ USD trong năm ngoái và năm nay dự kiến trên 3 tỷ USD.

Tăng tốc đầu tư và xúc tiến thương mại

6 tháng đầu năm, tại KCN Numura (Hải Phòng) đã có 5 công ty da giày (Vạn Đạt, Khải Hoàn Môn, Phúc An, Liên doanh Kai Nan, Thống Nhất) giảm lượng sản xuất. Nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh yếu, nhiều đối tác chuyển đơn hàng sang Trung Quốc. Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư-thương mại TPHCM (ITPC), nhiều DN da giày tại TP.HCM cũng lâm tình cảnh tương tự và để tồn tại, một số DN buộc phải nhận lại đơn hàng từ các DN Trung Quốc! Ngày 28/6 tại Hà Nội Tổng vụ thương mại của Ủy ban châu u (EC) đã loan báo khả năng giày dép VN có thể sẽ bị Liên minh châu u (EU) điều tra kiện bán phá giá đối với các mặt hàng có giá bán quá thấp vào EU.

Trong khi đó, khu vực đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và thuộc da đang tiến triển tốt hơn, với nhiều dự án đồng loạt triển khai, như: nhà máy thuộc da Hào Dương tại TP.HCM, Nhà máy Thuộc da Primer Vũng Tàu… cùng với Công ty Thuộc da Samwoo, Green Tech và một số cơ sở nhỏ ở khu vực thuộc da Phú Thọ Hòa, đang góp phần cung cấp nguyên liệu da thuộc chất lượng cao để sản xuất hàng xuất khẩu cao cấp.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất phụ liệu như đế giày, da váng có tráng PU, keo, phụ liệu… cũng giúp các DN giày tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất trong nước còn cao nên nhiều DN vẫn chọn con đường nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư hiện đại hóa sản xuất như hệ thống thiết kế mẫu và tính giá thành tự động, vừa giảm thời gian, chi phí, giúp thiết kế và chào hàng nhanh.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành da giày tăng trưởng chậm, hậu quả của nhiều năm không được đầu tư mới tăng năng lực sản xuất.

Thị phần xuất khẩu nghiêng về các DN nước ngoài và liên doanh - các DN này phải huy động tối đa công suất để tăng xuất khẩu vào Mỹ. Đây là thị trường chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Thị trường EU chiếm trên 70% sản lượng xuất khẩu đang gặp khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm không sử dụng chất độc hại, DN phải thực hiện các tiêu chuẩn về nhãn mác…

Việc EU ban hành quy định mới về hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP) cũng khiến xuất khẩu da giày vào đây có lúc bị chựng lại… Gần đây, thị trường Nhật và Châu Phi - khu vực đang tăng trưởng rất mạnh, hứa hẹn sẽ là một thị trường lớn đối với các sản phẩm giày cấp trung bình, giá rẻ.

Tuy nhiên, lời giải chính để ngành da giày VN tăng trưởng nhanh vẫn là cần có những biện pháp giảm phương thức gia công, khai thông kênh tiếp cận trực tiếp các nhà nhập khẩu và xu hướng tiêu dùng các nước EU, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở thêm nhiều thị trường mới…

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.