Ngành chăn nuôi bất an trước TPP

23/06/2015 06:13 GMT+7

Ngày 22.6, Tổng hội NN-PTNT cùng với Hội Chăn nuôi VN đã tổ chức hội thảo “Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi”. Đây được xem là ngành kinh tế chịu tổn thương nhiều nhất khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) phủ sóng tới VN.

Ngày 22.6, Tổng hội NN-PTNT cùng với Hội Chăn nuôi VN đã tổ chức hội thảo “Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi”. Đây được xem là ngành kinh tế chịu tổn thương nhiều nhất khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) phủ sóng tới VN.

Ngành chăn nuôi bất an trước TPPNgành chăn nuôi yếu ớt trong nước đang đứng trước nhiều đe dọa khi TPP có hiệu lực - Ảnh: Q.T
Hội Chăn nuôi VN kiến nghị: “Để ngành chăn nuôi chủ động hội nhập, cần cân đối lại cơ cấu vật nuôi, tăng năng suất, hạ giá thành bằng cách tổ chức quy mô lớn, hiện đại; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi nhằm bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành. Đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế được vay lãi suất ưu đãi và theo chu kỳ sản xuất với các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến...”.
Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, ngành chăn nuôi đang có năng suất lao động quá thấp, một trang trại heo sinh sản quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ cần 1 lao động trong khi ở VN cần trên 20 người. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, quá nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng cao làm giá thành sản xuất chăn nuôi ở VN cao, khả năng cạnh tranh thấp. Hiện giá thành thịt heo ở Mỹ thấp hơn 20 - 30% so với ở VN. Giá thành 1 kg thịt bò Úc nhập về VN để giết mổ cộng đủ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi cách ly, giết mổ... khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg; trong khi giá thành thịt bò nuôi tại VN cộng đủ các chi phí như vậy lên tới hơn 200.000 đồng/kg mà chất lượng thua xa thịt bò Úc.
Theo Hội Chăn nuôi VN, cho đến nay, vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về các yêu cầu các đối tác tham gia TPP đối với VN trong việc mở cửa thị trường chăn nuôi. Nhưng có thể suy đoán một trong những tác động lớn nhất của TPP đến ngành chăn nuôi là việc loại bỏ hàng rào thuế quan nhập khẩu (thuế quan nhập khẩu của tất cả các mặt hàng sẽ đưa về 0%). Điều này sẽ gây bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi, cụ thể là hai sản phẩm thịt gà và thịt heo phải đối mặt với các sản phẩm của Mỹ và Canada; thịt bò phải cạnh tranh với thịt bò từ Mỹ, Úc và New Zealand. Trong đó, dự báo riêng với Mỹ, sau khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang VN có thể tăng từ 2,3 triệu USD (năm 2014) hiện nay lên đến 100 triệu USD/năm. Mỹ cũng là nước xuất khẩu nhiều thịt bò vào VN (kim ngạch nhập khẩu thịt bò từ Mỹ năm 2014 là 16 triệu USD) nên việc thịt bò Mỹ sẽ tràn mạnh vào VN là không thể tránh khỏi... Nếu VN không có chính sách hỗ trợ tốt thì việc ngành chăn nuôi thu hẹp sản xuất hoặc mất thị trường là khó tránh khỏi.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định: “Nếu nhà nước không thay đổi về cơ chế, chính sách đầu tư, cứ cung cách như hiện nay, ngành chăn nuôi sẽ khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp chăn nuôi chưa chuẩn bị hành trang hội nhập, họ lo lắng và không hiểu rõ nội dung công cụ bảo vệ thị trường nội địa như thế nào. TPP là sân chơi có độ khốc liệt hơn hẳn WTO, vào đây là mặt đối mặt, là chơi sát ván nếu nông dân VN không được yểm trợ bằng một bàn tay có định hướng lâu dài thì họ sẽ tiếp tục bơ vơ”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nói: “Cục sẽ kiến nghị có chính sách tập trung hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các doanh nghiệp lớn thì họ rất linh hoạt, nhanh nhạy và không chờ đợi, chỉ cần nhà nước tạo cho họ chính sách, họ sẽ tự phát triển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.