Ngân hàng Mỹ thu hàng tỉ USD từ phí ATM và phí thấu chi

23/02/2017 11:20 GMT+7

Không ai thích các khoản phí, trừ các ngân hàng. Theo CNN, nếu bạn từng phải trả 3 USD hoặc hơn để rút tiền từ máy ATM, bạn không đơn độc.

Ba nhà băng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo thu được hơn 6,4 tỉ USD từ phí ATM và phí thấu chi của khách hàng trong năm 2016, theo phân tích do hãng tin Mỹ thực hiện và được hãng SNL Financial xác nhận.
Con số trên tương đương với mức phí 25 USD hằng năm cho mỗi người Mỹ trưởng thành. Bất chấp nhiều đợt phản đối công khai, các nhà băng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy rằng họ sẽ giảm phí. Năm 2016, ba ngân hàng lớn thu gần 300 triệu USD phí ATM và phí thấu chi so với năm 2015.
Chỉ riêng JPMorgan đã có doanh thu từ phí ATM tăng 22% năm ngoái. Phát ngôn viên ngân hàng cho biết điều này xảy ra là vì họ tăng phí ATM thêm 50 cent vào cuối năm 2015. Khách hàng phải nộp phí bất cứ lúc nào họ rút tiền từ máy ATM không phải của JPMorgan Chase.
Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng và các nhóm quan sát khác đã và đang cố gắng cảnh báo dân Mỹ cẩn thận với phí ngân hàng. “Các khoản phí trên để lại tác động không đồng nhất trên các gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình, vốn làm việc để trả tiền sinh hoạt mỗi ngày”, nhà tư vấn chính sách cao cấp Pamela Banks của nhóm vận động Consumers Union cho biết.
Mức phí trung bình để sử dụng một máy ATM không thuộc ngân hàng bạn dùng là 4,57 USD ở Mỹ, theo Bankrate. Năm 2016 là năm thứ 10 liên tiếp loại phí này đi lên.
Phí thấu chi thậm chí còn đem lại nhiều tiền hơn cả phí ATM. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng đặt vấn đề phí ATM trong đợt vận động tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Ông cam kết sẽ hạn chế phí ATM xuống mức tối đa là không quá 2 USD nếu lên làm tổng thống.
Dù ông Sanders có hạ được phí ATM, nhà băng cũng kiếm được nhiều tiền hơn nhờ thu phí duy trì và phí thấu chi từ khách hàng. Phí duy trì là khoản phí hằng tháng khách hàng phải trả để giữ tài khoản mở. Một số nhà băng yêu cầu khách hàng đóng vài đô la Mỹ mỗi tháng nếu số dư tài khoản của họ giảm xuống dưới ngưỡng nhất định, chẳng hạn như 5.000 USD.
Phí thấu chi xuất hiện khi số dư tài khoản của một người trượt xuống dưới mức 0 USD nhưng họ vẫn rút tiền ra ở máy ATM hoặc dùng thẻ ghi nợ để mua sắm. Về cơ bản, ngân hàng cho khách hàng vay tiền song phí thu lại quá đắt: nhiều nhà băng thu đến 35 USD mỗi khi khách hàng rút “lố”.
Loại phí trên đem về lợi nhuận lớn cho ngân hàng. JPMorgan kiếm được gần 2 tỉ USD từ phí thấu chi năm ngoái. Trong khi đó, Wells Fargo và Bank of America lần lượt thu về 1,8 tỉ USD và 1,7 tỉ USD.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2014 cho thấy hơn một nửa số người từng rút “lố” tiền trong tài khoản thanh toán không nhớ là mình có đăng ký dịch vụ thấu chi. Đáng báo động hơn, những khách hàng trả phí thấu chi có xu hướng trẻ và là người nghèo. Họ rút tiền “lố” 10 lần hoặc nhiều hơn mỗi năm.
“Các chương trình gọi là “bảo vệ thấu chi” của giới ngân hàng thực ra chỉ là cách để lừa những khách hàng dễ bị tổn thương nhất với chi phí đắt đỏ”, bà Banks nói. Theo luật Mỹ, người dân có thể chọn không tham gia thấu chi ATM bất cứ lúc nào. Ngân hàng cũng cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn để theo dõi số dư tài khoản. Một số gửi tin nhắn hay email đến khách hàng nếu số dư tài khoản của họ trượt xuống mức 0 USD. Dù vậy, lợi nhuận lớn từ các loại phí ngân hàng cho thấy chưa có nhiều nỗ lực để bảo vệ khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.