Ngân hàng đổi thẻ để chống trộm

30/05/2019 06:54 GMT+7

Khoảng 23 triệu thẻ nội địa do các ngân hàng trong nước phát hành sẽ phải hoàn tất chuyển đổi sang thẻ chip trong vòng 6 tháng cuối năm 2019. Đến cuối năm 2021, toàn bộ thẻ trên thị trường ATM nội địa theo công nghệ chip.

Chuyển đổi khoảng 23 triệu thẻ ATM

Khi sử dụng thẻ từ, những kẻ tấn công chỉ cần thông qua một thiết bị đánh cắp thông tin thẻ ATM rẻ tiền là nhanh chóng lấy được toàn bộ thông tin thẻ ngân hàng. Đồng thời, dung lượng của con chip cũng sẽ lớn hơn nhiều so với băng từ nên trong dài hạn để tích hợp nhiều dịch vụ khác như định danh khách hàng, các dịch vụ khách hàng thân thiết…
TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam
Tối 28.5, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) và 7 ngân hàng (NH) đầu tiên gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank đã thực hiện chuyển đổi, chấp nhận thẻ ATM chip nội địa cho khách hàng. Ngoài ra còn có 22 NH đăng ký tham gia trong đợt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng. Việc chính thức phát hành thẻ chip nội địa được các NH xem là giải pháp để VN thoát khỏi “vùng trũng” tội phạm thẻ quốc tế lộng hành trong thời gian gần đây.
Bởi trên thực tế, nhiều nhóm tội phạm nước ngoài đã thực hiện cài đặt các thiết bị trộm thông tin tài khoản thẻ khách hàng và làm thẻ giả (skimming). Đã có nhiều chủ thẻ nửa đêm bỗng dưng nhận được tin nhắn từ NH về các giao dịch rút tiền từ tài khoản, trong đó không ít trường hợp là do bị mất thông tin thẻ từ hoạt động skimming.
Sở dĩ những kẻ lừa đảo dễ dàng sao chép thông tin thẻ bởi hầu hết thẻ ATM nội địa đã được phát hành hiện nay vẫn sử dụng công nghệ băng từ. Thực tế, từ cách đây 10 năm, các tổ chức thẻ quốc tế đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo thị trường thẻ VN là “chỗ trũng” cho tội phạm thẻ tấn công nếu vẫn tiếp tục sử dụng thẻ từ. Giải pháp để hạn chế tình trạng này là chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Việc chuyển đổi này cũng là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành NH được Thủ tướng phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020. Lộ trình chuyển đổi được NH Nhà nước ban hành đối với tổ chức thanh toán thẻ đến ngày 31.12.2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31.12.2021.
Theo NAPAS, lộ trình đến cuối năm 2019 sẽ có khoảng 23 triệu thẻ ATM trong tổng số 75 triệu thẻ trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang công nghệ chip. Trong khi số liệu công bố từ NH Nhà nước, lượng thẻ ATM trên thị trường tính đến quý 1 năm nay là 158 triệu thẻ, nếu tính 30% lượng thẻ phải chuyển đổi từ nay đến cuối năm theo lộ trình thì số lượng thẻ phải chuyển đổi có thể lên hơn 47 triệu thẻ.
Thẻ ATM công nghệ băng từ liên tục bị tội phạm tấn công lấy tiền Ảnh: Ngọc Dương
TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam, nhận định việc sử dụng thẻ chip có thể hạn chế được các vụ tấn công thông dụng hiện nay. Ví dụ khi sử dụng thẻ từ, những kẻ tấn công chỉ cần thông qua một thiết bị đánh cắp thông tin thẻ ATM rẻ tiền là nhanh chóng lấy được toàn bộ thông tin thẻ NH. Đồng thời, dung lượng của con chip cũng sẽ lớn hơn nhiều so với băng từ nên trong dài hạn để tích hợp nhiều dịch vụ khác như định danh khách hàng, các dịch vụ khách hàng thân thiết... Hơn nữa, theo quy định từ lâu của các tổ chức thanh toán thẻ quốc tế, nếu khi xảy ra tranh chấp thì những NH sử dụng công nghệ thấp hơn sẽ phải chịu thiệt. Vì vậy khi nhiều nước đã chuyển đổi sang thẻ chip khá lâu thì việc thực hiện của hệ thống NH trong nước là cần thiết.

Ai chịu chi phí chuyển đổi ?

Vấn đề khách hàng quan tâm nhất hiện nay là chi phí chuyển đổi thẻ ai sẽ chi trả. Hiện nay theo công bố, chi phí phôi thẻ chip khoảng 1,5 - 2,5 USD/thẻ, tính ra khoảng 35.000 - 58.000 đồng/thẻ, như vậy chi phí cho đợt chuyển đổi 23 triệu thẻ lần này 800 - 1.300 tỉ đồng.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, đại diện NH Sacombank ước tính sẽ phải thực hiện chuyển đổi khoảng 1,2 triệu thẻ trong 6 tháng còn lại của năm trong tổng số hơn 4 triệu thẻ đã phát hành. Để có thể đạt được kế hoạch này, dù chi phí phát hành thẻ chip cao hơn nhiều lần thẻ từ nhưng Sacombank dự kiến miễn phí đối với những khách hàng cũ có giao dịch doanh số cao. Những khách hàng còn lại không thay đổi phí phát hành thẻ chip và phí thường niên… Riêng các thiết bị chấp nhận thẻ, Sacombank đã có 100% máy ATM (khoảng 8.000 máy) chấp nhận thẻ chip nội địa, còn gần 1.100 POS dự kiến đến tháng 6 hoàn tất 100% máy chấp nhận thẻ chip nội địa và 50% máy POS chấp nhận tính năng cho phép giao dịch thanh toán không tiếp xúc (contactless, chủ thẻ chỉ cần cầm thẻ “vẫy” qua thiết bị chấp nhận thẻ mất khoảng 1/3 giây và không cần ký vào giấy xác nhận hóa đơn trong các giao dịch từ 1 triệu đồng trở xuống). Một số NH khác vẫn chưa có kế hoạch chi tiết liên quan đến phí chuyển đổi, không ít NH lại đang “dòm” nhau về phí.
Trước đó, để thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ này, từ ngày 1.5, NAPAS giảm từ 47 - 80% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các NH thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật. Ông Phạm Quang Minh, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết: Số liệu thẻ NH Nhà nước công bố được tính lũy kế nên bao gồm cả thẻ chết (thẻ đã phát hành nhưng không sử dụng - PV). Đợt chuyển đổi này sẽ lọc ra được số lượng thẻ hiện đang lưu thông là bao nhiêu để chuẩn hóa lại số liệu. Tương tự trước đây khi NH thực hiện chuyển đổi PIN, một NH từ số lượng 5 - 6 triệu thẻ phát hành nhưng khi thực hiện xuống còn khoảng 3 triệu thẻ, số thẻ còn lại là thẻ “chết”. NAPAS ước tính số thẻ “sống” trên thị trường hiện khoảng 75 triệu.
Liên quan đến vấn đề chi phí khi thực hiện chuyển đổi, theo ông Phạm Quang Minh, sẽ phụ thuộc vào chính sách của các NH, NAPAS không quyết định vấn đề này. Có điều, chi phí phôi thẻ chip chỉ chiếm tỷ trọng quá nhỏ, khoảng 2 - 3% tổng chi phí phát hành. Tốn kém nhất vẫn là chi phí xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ nội địa mà việc này thì NAPAS đã thực hiện để triển khai cho các NH rồi. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi sang thẻ chip, các NH trong nước thời gian qua đã chịu thiệt hại đền bù khi tài khoản khách hàng mất tiền nên không thực hiện chuyển đổi sẽ chịu rủi ro trong hoạt động. Vì vậy chắc chắn các NH sẽ đạt được kế hoạch chuyển đổi từ nay đến cuối năm.

Nguy cơ thẻ chip sẽ nhanh chóng lạc hậu

TS Võ Văn Khang nhấn mạnh việc chuyển đổi số lượng lớn thẻ nội địa này sẽ kéo theo chi phí tương đối lớn. Từ đó sẽ kéo theo chi phí không chỉ đối với NH mà cả người dùng. Vì vậy các NH có thể đánh giá liệu công nghệ thẻ có tiếp tục tồn tại trong bao lâu nữa để khoản đầu tư này là cần thiết? Bởi trong xu thế công nghệ đang phát triển, có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau như thanh toán không dây, không tiếp xúc hay kiểu như tích hợp trong điện thoại đã phát triển rất nhanh mà không cần đến các loại thẻ. “Việc chuyển đổi thẻ chip có thể vẫn cần khi tôi nghĩ rằng trong vòng 3 - 5 năm nữa, vẫn chưa có công cụ thanh toán không dùng tiền mặt nào hoàn toàn thay được cho thẻ. Đối với nhiều khách hàng đã quen sử dụng thẻ thanh toán thì có thể vẫn chấp nhận được chi phí cấp thẻ”, TS Khang chia sẻ thêm.
Còn TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), tỏ ra băn khoăn hơn với kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Theo ông, vấn đề bảo mật quan trọng nhất là các công nghệ xử lý trong toàn hệ thống NH chứ không chỉ riêng thẻ. Công nghệ đang ngày càng phát triển, nhiều hình thức, ứng dụng mới ra đời nên công nghệ cũ dễ lạc hậu. Theo dự báo của một số tổ chức thế giới, trong 3 năm nữa có thể có viện bảo tàng lưu trữ các loại thẻ do các phương tiện thanh toán khác sẽ dần dần lấn át. Hiện nay các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã tham gia trong lĩnh vực thanh toán như ví điện tử. Mobile Banking và Internet Banking để thanh toán, chi trả các hóa đơn dịch vụ ngày càng nhiều. Vậy việc dùng thẻ NH có kéo dài lâu hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.