Ngân hàng đẩy mạnh bán tài sản nợ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
29/04/2020 00:00 GMT+7

Các ngân hàng liên tục rao bán, đấu giá tài sản nợ trước tình hình nợ xấu có xu hướng gia tăng sau dịch Covid-19 . Thế nhưng việc này không đơn giản.

Đấu giá vài chục lần vẫn không ai mua

Điều dễ nhận thấy tài sản được các nhà băng rao bán thời điểm này khá đa dạng, thay vì tập trung vào bất động sản như lâu nay. Đơn cử BIDV đấu giá tài sản 2 quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm hơn 117 m2 và 140 m2 đất tại đường Quang Trung (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) lần 4 với mức giá giảm 1,44 - 1,9 tỉ đồng so với mức giá đưa ra lần 3, còn 12,96 tỉ đồng và hơn 17 tỉ đồng. Nhà băng này cũng giảm giá đấu tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty CP Thúy Đạt xuống gần 3,3 tỉ đồng so với lần trước đó, còn 95 tỉ đồng. Đây là lần đấu giá thứ 25 với các tài sản bao gồm nhà điều hành kiêm văn phòng, nhà xưởng, nhà kho, nhà xe, trạm điện, máy in...

Nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng

Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng 95% trong 3 tháng đầu năm 2020 lên 377 tỉ đồng chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%. Tính đến cuối tháng 3 ở mức 6.046 tỉ đồng, tăng hơn 300 tỉ đồng so với đầu năm, dẫn đến tỷ lệ nợ tăng từ 1,94% lên 1,97%. Giá trị nợ xấu tại Kienlongbank tăng 5,7 lần, lên 2.293 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1% lên 6,62%. Trong đó nợ nhóm 5 tăng từ 238 tỉ đồng lên 2.126 tỉ đồng. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại TPBank cũng tăng từ 1,28% lên 1,87%, lên 1.884 tỉ đồng (chủ yếu do nợ nghi ngờ nhóm 4 tăng 61% …).
Tương tự, khoản nợ của Công ty TNHH MTV kinh doanh dầu khí Việt Hải cũng được BIDV rao bán lần 5 với mức giá khởi điểm 21,1 tỉ đồng, giảm 11,1 tỉ đồng so với nợ gốc và lãi. Tài sản khoản nợ gồm trạm chiết gas, bình gas, ô tô, quyền sử dụng đất và nhà ở, cổ phiếu. Riêng đối với khoản nợ Công ty CP Thuận Thảo và 95 khách hàng cá nhân khoảng 800 tỉ đồng (tăng 39 tỉ đồng so với mức giá công bố xử lý hồi đầu năm 2019), trong khi tổng nợ gốc và lãi của khoản này 2.735 tỉ đồng. Khoản nợ này mất khoảng 2 năm nay chưa được xử lý với tài sản đảm bảo nợ vay gồm 4 tài sản như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại 100B Bùi Thị Xuân, P.Bến Nghé, Q.1 với diện tích 275 m2; 16,5 ha đất và 5,4 ha tại H.Bình Chánh, TP.HCM và 5,2 triệu cổ phiếu Công ty CP Thuận Thảo.
Có thể thấy, việc bán tài sản nợ không hề đơn giản. Nhiều tài sản được ngân hàng (NH) đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được. Chẳng hạn Sacombank đấu giá tài sản lần 7 quyền sử dụng đất và tài sản trên đất diện tích 422 m2 tại đường Ngô Quyền, P.10, Q.5, TP.HCM; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên đường Trần Hưng Đạo, P.10, Q.5 với diện tích hơn 1.784 m2. Mức giá khởi điểm lên đến 277 tỉ đồng. Cũng nhà băng này đã đấu giá lần thứ 21 tài sản có diện tích 6.382 m2 trên đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh với mức giá khởi điểm 400,35 tỉ đồng. Một tài sản khác trên đường Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5 gồm 1 tầng trệt và 1 lầu chung cư khá cũ nhưng được rao bán với giá 17,2 tỉ đồng cũng đấu giá lần thứ 21 nhưng chưa thể tìm được chủ nhân mới. Hay 10.000 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM do Công ty TNHH SX TM DV XNK Đức Phú Thịnh đứng tên, đã ký hợp đồng với Sacombank để cấn nợ vay có mức giá khởi điểm hơn 130,8 tỉ đồng... cũng tắc đường thanh lý...

Giá đấu vẫn cao

Kết thúc quý 1, nợ xấu của một số NH có chiều hướng tăng, bao gồm cả nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) nhưng việc xử lý trong giai đoạn này không đơn giản. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Công ty CP đấu giá Lam Sơn, cho biết các NH liên tục công bố thanh lý, đấu giá tài sản, khoản nợ... từ sau tết đến nay nhưng ít có giao dịch thành công. Trong các tài sản nợ, ô tô là bán nhanh nhất vì giá cả hợp lý, còn bất động sản hiện nay khá khó khăn, đặc biệt những tài sản có giá trị lớn do thị trường thanh khoản thấp trong mùa dịch. Quan trọng hơn, những tài sản, khoản nợ vẫn được NH hét giá khá cao khi đấu giá, thanh lý. Trong khi đối với việc đấu giá tài sản nhà đất, người mua có thể sử dụng ngay sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, còn việc mua khoản nợ NH (khoản nợ có tài sản bất động sản, động sản bảo đảm), người mua phải am hiểu các thủ tục, phải có tiếng nói chung với “con nợ” là sẽ tham gia làm cổ đông, hay yêu cầu quyền sở hữu bất động sản... Nghĩa là khách hàng mua khoản nợ, tức mua quyền đòi nợ từ phía NH. Trong trường hợp, người mua nợ và con nợ không thỏa thuận được hướng giải quyết, người mua nợ kiện ra tòa để đòi tài sản, rất mất thời gian, công sức. Vì thế, giá mua khoản nợ phải thật sự thấp để họ còn thấy được cơ hội kinh doanh, đầu tư khi bỏ tiền tham gia.
Một yếu tố khác, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, đó là tính pháp lý của tài sản đảm bảo khoản nợ. Một trường hợp khá hy hữu xảy ra cách đây 8 năm, công ty thực hiện đấu giá một khoản nợ của NH là bất động sản trên đường Nguyên Hồng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Khách hàng trúng đấu giá 3 tỉ đồng căn nhà này nhưng khi thực hiện các thủ tục sang tên mới tá hỏa vì giấy tờ giả. Thực tế, giấy tờ nhà giả lọt qua nhiều cửa như NH, thi hành án... thì làm sao khách mua nhà đấu giá có thể biết được. Đó cũng là một rủi ro khiến các nhà băng khó đấu giá thanh lý tài sản nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.