Nga - Ả Rập Xê Út đang thỏa hiệp trong cuộc chiến giá dầu?

07/09/2015 15:39 GMT+7

(TNO) Nga và Ả Rập Xê Út có nhiều lý do lớn để tăng cường hợp tác trong chính sách năng lượng. Tuy nhiên, hiện thực hóa điều này có phải là dễ dàng?

(TNO) Nga và Ả Rập Xê Út có nhiều lý do lớn để tăng cường hợp tác trong chính sách năng lượng. Tuy nhiên, hiện thực hóa điều này có phải là dễ dàng?

Tổng thống Vladirmir Putin và Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Nga Abdulrahman Al-Rassi trong một buổi lễ tại Điện Kremlin ở thủ đô Moscow - Ảnh: Reuters
Nga và Ả Rập Xê Út có những lý do lớn để hợp tác với nhau trong chính sách năng lượng. Hiện tại, các nét chính về việc thỏa hiệp giữa hai nước trên đang ngày càng hiện rõ, manh nha những tác động lớn đến thị trường dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu.
Một “siêu OPEC” không chính thức, với sự tham gia của Nga và các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ kiểm soát 45% thị trường dầu mỏ toàn cầu, tương đương với thị phần mà OPEC nắm giữ những ngày hoàng kim thập niên 1970.
Các chuyên gia năng lượng cho biết Ả Rập Xê Út có thể xem xét về một "siêu OPEC" nếu phía Nga đưa ra thỏa thuận hợp lý, đồng ý cắt giảm 500.000 thùng trong tổng số 10,7 triệu thùng/ngày.
Gần đây, Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nhận định trên tờ The Teleraph rằng các quốc gia thuộc OPEC không thể chịu đựng được mãi “nỗi đau” đến từ thùng dầu giá rẻ và có thể bị buộc phải từ bỏ kế hoạch giữ vững thị phần trong vòng vài tháng tới.
Theo ông Dvorkovich, Ả Rập Xê Út gặp khó vì chính ý định cạnh tranh với các đối thủ của họ bằng cách không giảm sản lượng. “Tôi không cho là Ả Rập Xê Út muốn sống với giá dầu thấp trong thời gian dài. Trong chừng mực nào đó, họ có thể phải thay đổi chính sách. Họ có thể chịu đựng được vài tháng đến vài năm”, ông Dvorkovich nói.
Tháng 11 năm ngoái, quốc gia Trung Đông ra quyết định tiếp tục để hạn ngạch sản xuất ở mức kỷ lục bất chấp khi đó, dư cung dầu thô thế giới đã vào khoảng 1 đến 2 triệu thùng/ngày.
Bước đi của Ả Rập Xê Út là nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ và các thùng dầu xuất phát từ những dự án dầu khí chi phí cao ở vùng Bắc Cực và vùng biển sâu. Mục tiêu nhắm đến của kế hoạch này về cơ bản bao gồm Nga, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Tổng thống Nga và Thái tử Salman bin Abdulaziz Al Saud trò chuyện thông qua phiên dịch viên tại cuộc họp các nhà lãnh đạo các nước có nền kinh tế lớn G20 tháng 11.2014 - Ảnh: Reuters
Phó thủ tướng Dvorkovich, người đứng đầu chiến lược kinh tế và năng lượng của Nga, cho hay Moscow đã liên tục đàm phán với OPEC nhằm thống nhất “một chính sách hợp lý hơn” nhưng e ngại về việc liệu Điện Kremlin sẽ phá vỡ bế tắc để đi đến thỏa thuận với Riyadh.
“Những cuộc thảo luận của chúng tôi không thể hiện trực tiếp rằng hai nước sắp phối hợp hành động. Câu trả lời cho chuyện hợp tác có thể là “có”, có thể là “không”, nhưng nghiêng về phía “không” nhiều hơn. Chúng tôi đang trao đổi tín hiệu với nhau”, ông Dvorkovich nói.
Nước Nga cho biết họ không thể thay đổi sản lượng dầu một cách nhanh chóng như Ả Rập Xê Út, vì thời tiết khắc nghiệt ở khu vực Siberia.
Quốc gia Trung Đông bác bỏ lời giải thích này, nhắc đến việc người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft là Igor Sechin. Ông Sechin là cánh tay phải của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hơn 10 năm còn hãng Rosneft thì có 70% sở hữu nhà nước.
“Nếu ông Putin muốn cắt giảm sản lượng, chắc chắn ông ấy có thể làm điều này. Mọi người đều biết vậy”, một nhà đàm phán bên phía Ả Rập Xê Út cho biết.
Ông Dvorkovich cho hay việc cắt giảm hạn ngạch dầu thô ở Nga có thể đang được các nhà sản xuất thực hiện. Song hiện tại, với những khó khăn kinh tế riêng, cả hai nước đều khó giảm sản lượng mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Xê Út giảm từ 737 tỉ USD xuống còn 661 tỉ USD trong 11 tháng qua. Nước này có thể thâm hụt ngân sách đến 20% GDP trong năm nay. Gần đây, quốc gia giàu dầu thô đã phải phát hành trái phiếu, lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu.
Nước Nga thì đang trong cuộc khủng hoảng sâu. Nền kinh tế xứ sở bạch dương đã giảm 4,6% trong năm qua còn rúp Nga giảm nửa giá trị so với đô la Mỹ kể từ giữa năm 2014.
Các doanh nghiệp Nga giờ đây đang chật vật trong việc trả khoản nợ nước ngoài. Phần lớn các công ty này bị đóng cửa với thị trường vốn quốc tế vì các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Do đó, thanh khoản USD của họ phải phụ thuộc nhiều vào nhà nước.
Adnan Shihab-Eldin, cựu Tổng thư ký OPEC, cho biết thị trường dầu mỏ đang trong trạng thái xấu. Ông hoài nghi về việc OPEC có còn đủ khả năng để duy trì chính sách họ đưa ra vào tháng 11 năm ngoái hay không.
“Giữ vững thị phần bằng mọi giá không phải là ý hay cho OPEC”, cựu Tổng thư ký OPEC nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.