Nâng cao giá trị hoa Đà Lạt

02/01/2016 06:43 GMT+7

Cùng là hoa Đà Lạt, nhưng công nghệ bảo quản và vận chuyển không tốt nên giá hoa nông hộ trồng thường thua xa giá hoa của các công ty, chưa kể người trồng hoa lẻ bị tước mất một phần lớn lợi nhuận từ các trung gian...

Cùng là hoa Đà Lạt, nhưng công nghệ bảo quản và vận chuyển không tốt nên giá hoa nông hộ trồng thường thua xa giá hoa của các công ty, chưa kể người trồng hoa lẻ bị tước mất một phần lớn lợi nhuận từ các trung gian...

Bảo quản hoa sau thu hoạch của nông hộ còn yếu kém làm giảm giá trị sản phẩm - Ảnh: Lâm ViênBảo quản hoa sau thu hoạch của nông hộ còn yếu kém làm giảm giá trị sản phẩm - Ảnh: Lâm Viên
Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt 2015, tỉnh Lâm Đồng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao giá trị sản phẩm hoa Đà Lạt và chủ động hội nhập quốc tế”. Dự tọa đàm có gần 200 đại diện các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất hoa tiêu biểu, nhà kinh doanh, các chuyên gia nghiên cứu về hoa và các ban ngành liên quan.


Liên kết để cạnh tranh
Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, cơ quan nhà nước cần quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hoa, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ liên kết, hợp tác sản xuất cho các làng hoa, hộ sản xuất hoa. Có như vậy mới tạo được lợi thế, đáp ứng đủ số lượng lớn và chất lượng ổn định theo yêu cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sản lượng tăng, giá hoa giảm
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 2010 toàn tỉnh có hơn 5.100 ha hoa các loại, sản lượng hơn 1,1 tỉ cành, đến năm 2015 diện tích tăng lên 7.594 ha với sản lượng trên 2,3 tỉ cành. Riêng TP.Đà Lạt chiếm hơn 63% diện tích và 67% sản lượng hoa, tuy nhiên chỉ có hơn 10% được xuất khẩu, với kim ngạch ước đạt 26 triệu USD; 60% được tiêu thụ tại thị trường TP.HCM, còn lại 30% phân phối về các tỉnh thành.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, thông tin thêm diện tích và sản lượng hoa tăng trung bình 15%/năm, nhưng giá hoa lại giảm khoảng 3 lần. “Nếu năm 2000 - 2003 giá hoa cúc từ 3.000 - 4.000 đồng/cành thì nay chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/cành, có nghĩa giá trị sản phẩm sụt giảm dẫn đến thu nhập của người trồng hoa giảm theo”, ông Sơn nói.
Nông dân Tạ Minh Quân, Làng hoa Hà Đông (Đà Lạt) đề nghị các cơ quan chức năng giúp nông dân đào tạo kỹ thuật, chuyển giao giống mới để nâng cao giá trị sản phẩm hoa đạt tiêu chí xuất khẩu, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho người trồng hoa. Nông dân Trương Ngọc Huy nêu khó khăn: “Muốn nâng cao chất lượng hoa phải đầu tư nhà kính, nhưng việc vay vốn rất khó khăn, vì ngân hàng không chấp nhận thế chấp nhà kính”. Tiến sĩ Lê Như Bích (ĐH Đà Lạt) nhận định: “Sự biến động thất thường trong cung và cầu hoa cắt cành dẫn đến sự không chắc chắn về giá cả giữa các đối tác kinh doanh. Phần lớn nông dân bán hoa theo dạng ký gửi (không dựa trên hợp đồng) và nhận tiền sau, dẫn đến nghịch lý nông dân vất vả trồng hoa sau 3 tháng mới có thu hoạch nhưng hưởng lợi ít hơn người mua bán trung gian”.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, thừa nhận diện tích hoa tăng nhưng thị trường tiêu thụ lại chưa được mở rộng. Ông Hiệp nhìn nhận “lỗi của cơ quan nhà nước” khi chưa làm tốt chức năng dự báo, định hướng thị trường, nên phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, diện tích manh mún, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật mới, nên giá trị nhiều sản phẩm hoa còn thấp.
Học cách làm của người Nhật
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 1.500 tấn hoa, trong đó hoa từ Lâm Đồng chiếm hơn 50%. “Thế nhưng, hoa của nông hộ Đà Lạt về tới TP.HCM tỷ lệ hao hụt rất cao do cách bảo quản và vận chuyển thiếu chuyên nghiệp”, bà Đào nói và dẫn chứng: cũng là hoa sản xuất Đà Lạt, nhưng hoa của Dalat Hasfarm có giá bán cao hơn nhiều lần so với hoa nông dân sản xuất mà vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Thực tế, hoa của Dalat Hasfarm đẹp hơn, có bao bì nhãn mác, chưng được lâu hơn nhờ khâu bảo quản và vận chuyển bằng xe chuyên dụng. “Muốn nâng cao giá trị sản phẩm hoa Đà Lạt cần quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch và phương tiện vận chuyển”, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nêu giải pháp.
Đại diện văn phòng JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM) cho biết ở Nhật giá hoa được Công ty bán đấu giá hoa Ota thông báo hằng ngày, thông tin về sản lượng và nhu cầu thị trường cũng được công khai, minh bạch để người sản xuất hoa biết. Từ đó cung cầu hài hòa, không xảy ra tình trạng hoa rớt giá như ở VN do cung vượt cầu. Nông dân Nhật tập hợp lại thành từng nhóm hay hợp tác xã để chung nhau một mã số và thương hiệu, một tài khoản ngân hàng tham gia sàn giao dịch. Trước hôm đấu giá, nhân viên trực điện thoại của Ota sẽ cập nhật thông tin khách hàng từ phía nông dân, nhận hàng, phân loại, định giá và cất vào kho. Theo đại diện JETRO, việc định giá hoa minh bạch và công bằng là động lực để nông dân sản xuất hoa chất lượng cao.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhìn nhận cách làm của người Nhật rất khoa học, đảm bảo người trồng hoa không bị ép giá. Theo ông Phạm S, được sự hỗ trợ của Nhật Bản, Đà Lạt đang xúc tiến việc xây dựng trung tâm giao dịch hoa theo mô hình Ota, song song đó sẽ đầu tư công nghệ bảo quản hoa sau thu hoạch và kết nối với TP.HCM trong việc tiêu thụ hoa cho nông dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.