Myanmar và khát vọng soán ngôi kinh tế Singapore

02/12/2016 11:38 GMT+7

Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố bà khao khát đưa Myanmar vượt qua nền kinh tế thứ 4 Đông Nam Á là Singapore trong vòng 20 năm tới.

Bà Aung San Suu Kyi đang có chuyến thăm Singapore 3 ngày, bắt đầu hôm 30.11. Phát biểu trên được bà đưa ra trong cuộc đối thoại với lãnh đạo các đơn vị kinh tế hàng đầu của Singapore nhằm mời gọi đầu tư, đem lại “thịnh vượng và hòa bình” cho Myanmar. Theo Cơ quan Đầu tư và cấp phép doanh nghiệp Myanmar, tính đến tháng 10.2016, Singapore là quốc gia đầu tư lớn thứ hai vào nước này, sau Trung Quốc, với tổng vốn được phê duyệt 15,6 tỉ USD. Singapore cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Myanmar, sau Trung Quốc và Thái Lan, với kim ngạch song phương năm 2015 tăng 9,6% so với năm 2014, đạt 2,5 tỉ USD.
Đảo ngược vị thế
Phát biểu trong cuộc đối thoại, bà Suu Kyi chỉ ra rằng vào thập niên 1960, Myanmar là nền kinh tế huy hoàng tại Đông Nam Á với dân số trên 20 triệu người. Khi Singapore trở thành nền cộng hòa độc lập với hơn 2 triệu dân vào năm 1965, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mơ ước “bắt kịp Myanmar trong vòng 20 năm”. Và Singapore đã làm được điều đó. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2015, GDP của Singapore (dân số 5,6 triệu người) đạt 294 tỉ USD, xếp thứ 37 thế giới và thứ 4 Đông Nam Á (vượt Philippines, chỉ sau Indonesia, Thái Lan, và sát nút Malaysia). Trong khi đó, GDP của Myanmar (dân số 55 triệu người) chỉ 67 tỉ USD, bằng 1/3 của VN và xếp thứ 7 trong khu vực (trên Campuchia, Brunei và Lào).
Điều này đã khiến bà Suu Kyi ngậm ngùi. Nay ở vị trí cố vấn nhà nước, bà quyết tâm mang lại thay đổi. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thay đổi điều đó (tức tham vọng đuổi kịp Myanmar của ông Lý Quang Diệu - PV) một chút. Trong vòng 20 năm, Myanmar sẽ vượt qua Singapore. Và tôi hy vọng các bạn sẽ giúp chúng tôi đạt được như vậy”, bà Suu Kyi phát biểu trong cuộc đối thoại.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, Phó tổng biên tập tạp chí The Voice uy tín của Myanmar Zeya Thu nói tuyên bố của cố vấn Suu Kyi là “lời thúc giục người dân Myanmar” và bản thân ông “cảm thấy được truyền cảm hứng”, dù đất nước này “còn quá nhiều việc phải làm”. “Xét về dân số, quy mô quốc gia và tài nguyên thiên nhiên, Myanmar hơn hẳn Singapore. Về kinh tế, chúng tôi có thể bắt kịp Singapore trên phương diện tổng thu nhập quốc dân GDP. Nhưng nếu tính GDP trên đầu người thì Singapore quả là một gã khổng lồ, và dĩ nhiên họ chẳng giậm châm ở mức hiện tại”, ông phân tích.
Liên quan đến vấn đề người Rohingya, Malaysia quyết định hủy 2 trận đấu bóng đá giao hữu giữa đội tuyển U.22 nước này với Myanmar để bày tỏ phản đối. Các trận đấu ban đầu dự kiến diễn ra tại TP.Yangon vào các ngày 9 và 12.12. Chưa hết, AFP dẫn các nguồn tin cho hay Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ tham dự một cuộc tuần hành quy mô lớn vào cuối tuần này cũng với mục đích trên. Mặt khác, theo kế hoạch ban đầu, sau khi rời Singapore, cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ đi Indonesia. Tuy nhiên, chuyến công du này đã bị hủy do nguy cơ người Hồi giáo Indonesia phản đối cũng như vụ phát hiện âm mưu đánh bom Đại sứ quán Myanmar ở thủ đô Jakarta. 
Trùng Quang
Không chỉ mong đợi đầu tư từ Singapore, bà Suu Kyi cũng mong muốn phát triển nền kinh tế “sạch tham nhũng” như đảo quốc này. Trong đó, khoảng 200.000 người Myanmar hiện đang học tập và làm việc tại Singapore được kỳ vọng rất nhiều. “Những người Myanmar đang làm việc tại Singapore không chỉ được đào tạo trong nền kinh tế tiên tiến mà còn có ý thức trách nhiệm rất cao như ý thức sử dụng lá phiếu của mình trong các cuộc bầu cử”, bà nói.
Thách thức chồng chất
Dù tỏ ra lạc quan và kỳ vọng lớn về sự phát triển kinh tế của Myanmar trong tương lai, bà Suu Kyi cũng nhìn nhận đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính lịch sử. “Nền giáo dục Myanmar nhiều thập niên qua đã trở nên lỗi thời khi sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm”, bà nói. Vì vậy, “đào tạo nghề là ưu tiên hàng đầu” trong chính sách giáo dục của chính phủ, bà khẳng định và khuyến khích doanh nghiệp Singapore đầu tư vào lĩnh vực này. “Đào tạo nghề cũng chính là tạo việc làm”, và “sự thịnh vượng về kinh tế sẽ góp phần đem lại hòa bình”, nhà cố vấn 71 tuổi lập luận.
Nhưng hòa bình trên cơ sở đoàn kết dân tộc, thống nhất các nhóm sắc tộc, các địa phương đòi ly khai là thách thức không dễ vượt qua. “Myanmar có lịch sử chia rẽ kéo dài”, bà Suu Kyi phát biểu và thừa nhận “hòa giải dân tộc” là thách thức chính trị lớn nhất mà chính phủ đang phải đối mặt.
Nhà quan sát Zeya Thu cho rằng chính quyền đảng NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo đã tiến hành nhiều hoạt động hòa giải đáng kể, trong đó phải kể đến Hội nghị Panglong thế kỷ 21 hồi tháng 8 quy tụ tất cả các bên, từ quân đội, các nhóm vũ trang thiểu số, các đảng phái chính trị... Tuy nhiên, “kết quả vẫn còn rối mù”, bởi “thực tế quá phức tạp”.
Một vấn đề đau đầu khác khiến chính quyền Suu Kyi phải đối mặt với dư luận quốc tế, đặc biệt là những nước đông người Hồi giáo trong khu vực, là cáo buộc phân biệt đối xử, thậm chí “thanh trừng” nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine. Cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn người Rohingya khỏi miền tây Myanmar do chiến dịch trấn áp đang diễn ra của quân đội đã gây nên một cuộc khủng hoảng di cư. Hôm 30.11, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin thậm chí lên tiếng đòi ASEAN xem xét tư cách thành viên của Myanmar vì vấn đề này. “Với ASEAN, chúng tôi đề nghị xem xét lại tư cách thành viên của Myanmar. Nguyên tắc không can thiệp nội bộ của ASEAN là vô nghĩa khi tại một quốc gia thành viên xảy ra việc thanh trừng sắc tộc ở quy mô lớn”, ông Khairy tuyên bố.
Nhận định về điều này, nhà quan sát Zeya Thu cho rằng vấn đề đã bị biến thành “công cụ chính trị”. Ông nhận định việc Myanmar mời cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan làm trưởng ban cố vấn về bang Rakhine là bước đi đáng khen ngợi của chính quyền Suu Kyi trong vấn đề “vô cùng phức tạp” này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.