Mỹ rút khỏi TPP là mở toang cửa cho Trung Quốc

24/01/2017 10:27 GMT+7

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nền kinh tế số một thế giới khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hãng tin CNN và Bloomberg có bài viết nhận định về động thái này.

Từ bỏ TPP là một trong những động thái chính thức đầu tiên mà Tổng thống Mỹ thực hiện khi bắt đầu nhiệm kỳ. Hãng tin CNN cho rằng việc làm của ông Donald Trump như vừa trao chìa khóa xe cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mới tuần trước, ông Tập còn gửi thông điệp sẽ bảo vệ toàn cầu hóa trước các lực lượng dân túy muốn kết thúc thương mại tự do tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).
Quyết định quay lưng với thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất lớn nhất lịch sử còn để lại cánh cửa mở cho Bắc Kinh thúc đẩy thương hiệu riêng của nước này trong lĩnh vực thương mại tại một trong những khu vực có nhiều nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Tổng thống Donald Trump từng lấy chính sách bảo hộ thương mại làm nền tảng trong chiến dịch tranh cử. Ông mô tả TPP là “thảm họa” và “được thúc đẩy bởi các bên muốn chèn ép Mỹ”. Ngoài động thái với TPP, ông Trump còn cam kết tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Edward Alden, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho biết ông “bối rối” khi thấy tân Tổng thống cố gắng đàm phán lại NAFTA, thỏa thuận giữa Mỹ, Canada và Mexico, nhưng lại bỏ toàn bộ TPP. “Ông Trump vừa cho Trung Quốc một đòn bẩy rất lớn. Nguyên tắc đầu tiên trong đàm phán là không vứt bỏ thứ gì mà chẳng đổi lại chi nhưng ông ấy đã làm điều này ngay lập tức”.
Hãng tin Bloomberg thì nhận định động thái rút khỏi TPP của ông Trump sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị, kinh tế mà Trung Quốc rất háo hức để điền vào. Việc này sẽ làm tổn thương uy tín của Mỹ tại châu Á, là đòn giáng vào nỗ lực quay trục chính sách đối ngoại của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á.
Bloomberg cũng dẫn ra tuyên bố mà ông Tập đưa ra tại WEF, rằng chủ nghĩa bảo hộ cũng giống như việc “khóa mình trong một căn phòng tối”. Chủ tịch Trung Quốc còn ra tín hiệu nước này sẽ xem xét đàm phán thỏa thuận thương mại khu vực.
Hiện Đại lục đang ủng hộ một hiệp ước bao gồm 16 quốc gia là thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP có sự tham gia của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, không bao gồm Mỹ. Nó cũng thiếu một số biện pháp bảo vệ môi trường và lao động mà ông Obama từng đàm phán trong TPP. Ông Tập và dàn lãnh đạo Bắc Kinh cũng đang tìm cách lấp khoảng trống lãnh đạo của Mỹ, tận dụng quan điểm bảo hộ của ông Trump để tăng cường quan hệ với các đồng minh Mỹ truyền thống như Philippines và Malaysia.
“Mỹ hiện giờ cơ bản là ở thế chúng ta có ngựa của chúng ta, Trung Quốc có ngựa của Trung Quốc. Song ngựa của chúng ta không được đưa ra đồng cỏ, không còn chạy trong cuộc đua. Đây là món quà khổng lồ với Trung Quốc vì từ giờ họ có thể tự cho mình là tài xế lèo lái tự do hóa thương mại”, Phó chủ tịch Eric Altbach của hãng Albright Stonebridge Group (Mỹ) nói.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain không ủng hộ quyết định của ông Trump. Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Ash Carter, từng nói hiệp định thương mại châu Á - Thái Bình Dương sẽ có giá trị chiến lược hơn là chuyện đưa một đội tàu sân bay chiến đấu đến khu vực này.
Việc Mỹ rút khỏi TPP “sẽ tạo ra sự khởi đầu cho Trung Quốc viết lại quy luật kinh tế dựa trên chính thiệt hại của lao động Mỹ”, ông McCain nói. Theo chuyên gia nghiên cứu Jack Thompson tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh ở Zurich (Thụy Sĩ), cựu Tổng thống Mỹ Obama xem TPP “nhiều hơn so với việc chỉ là một thỏa thuận giúp tăng cường thương mại quốc tế”. Hiệp định này là sáng kiến quan trọng để “xây dựng và duy trì quan hệ lâu dài, nhằm trấn an các nước khác trong khu vực”, ông Thompson cho hay.
Với RCEP, thỏa thuận này hạ thuế quan nhưng không yêu cầu các thành viên phải thực hiện nhiều bước nhằm tự do hóa nền kinh tế, bảo vệ quyền người lao động, bảo vệ tài sản trí tuệ và các tiêu chuẩn môi trường. Các nước đang phát triển có tham gia RCEP cũng được cho thêm thời gian để thực hiện những quy định đã có sẵn.
Dan Ikenson, thuộc Viện Cato (Mỹ) nhận định: “Đây là cơ hội để Trung Quốc hoãn cải cách của riêng họ và dùng hệ thống riêng làm mô hình để kéo các nước đến gần quỹ đạo của họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.