Mỹ chuyển hướng đánh vào thương mại Canada thay vì Mexico và Trung Quốc

29/09/2017 20:03 GMT+7

Mặc dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần dành những lời cảnh báo cứng rắn nhất về thương mại cho Mexico và Trung Quốc, nhưng thực tế Canada mới là nước phải chịu áp lực lớn từ những rào cản của Mỹ.

Theo The New York Times, trong động thái mới đây nhất, chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất áp đặt mức thuế lớn, trên 200%, đối với những chiếc máy bay mới CSeries của Bombardier, hãng sản xuất máy bay lớn nhất Canada, nhằm bù đắp cho những khoản trợ cấp được cho là không công bằng của chính phủ Canada. Song, không chỉ có máy bay, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đưa ra những rào cản buôn bán về gỗ, các sản phẩm từ sữa và cả giấy in tạp chí đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của mình.
Các chuyên gia đánh giá việc chuyển hướng dồn trọng tâm gây sức ép lên Canada phản ánh sự phức tạp mà Tổng thống Trump phải đối mặt trong việc thiết lập lại các quy tắc thương mại toàn cầu. Trong thời gian tranh cử và ngay khi vừa nhậm chức, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico, đồng thời hứa sẽ đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Nhưng sự tấn công mạnh mẽ vào Đại lục có thể làm gián đoạn chuỗi cung cấp toàn cầu, tăng chi phí cho các nhà sản xuất Mỹ và nhiều khả năng gây căng thẳng địa chính trị vào thời điểm Washington đang cần sự trợ giúp của Bắc Kinh để đối phó với Triều Tiên. Đối với quốc gia Trung Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Mexico phần nhiều thường đụng độ lẫn nhau vì vấn đề nhập cư, còn về quan hệ thương mại, nếu Mỹ gây áp lực cho Mexico thì cũng đồng nghĩa với việc khối lượng xuất khẩu của nhiều nhà máy thuộc sở hữu của các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó khối lượng giao dịch thương mại với Canada lại là một mục tiêu dễ dàng cho Mỹ hành động chống lại các công ty hoặc ngành công nghiệp riêng lẻ. Hơn nữa, quy mô cùng sự phụ thuộc về kinh tế của Canada đối với Mỹ tương đối nhỏ khiến Canada ít có sức mạnh để đánh trả lại nước láng giềng. Vụ kiện Bombardier chỉ là một trong một loạt các động thái liên quan đến mâu thuẫn thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, Mỹ còn áp dụng thuế gỗ xẻ mềm, một trong những mặt hàng xuất khẩu mang tính biểu tượng của Canada, đồng thời cân nhắc thêm các biện pháp để kiềm chế xuất khẩu thép, nhôm và tấm pin năng lượng mặt trời của đồng minh thân cận.
“Canada nhìn nhận vấn đề này như một cú đánh vào mặt. Những người Canada xem Mỹ như một đồng minh thân cận bây giờ đang tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra”, Jerry Dias, người đứng đầu Unifor, liên minh khu vực tư nhân lớn của Canada, cơ quan đại diện cho một số công nhân của Bombardier, nói. Tuy nhiên, để trả lời cho những thắc mắc về sự việc này nhiều ý kiến cho rằng bây giờ thương mại chỉ đơn giản là câu chuyện chính trị có tính phí.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã yêu cầu Tổng thống Trump can thiệp để thuyết phục Boeing bỏ vụ kiện chống lại Bombardier. Thủ tướng Anh Theresa May cũng vào cuộc chỉ trích chống lại vụ kiện này vì một số bộ phận cánh của máy bay CSeries được sản xuất ở Bắc Ireland.
Chrystia Freeland, Bộ trưởng ngoại giao Canada kiêm trưởng bộ phận về các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho biết Canada sẽ “chiến đấu mạnh mẽ” khi nói đến Bombardier. “Tôi muốn nhắc nhở người dân Canada rằng các quyết định thương mại mang tính hiếu chiến không phải là điều mới mẻ. Mỹ chắc chắn đã quen với cách chúng tôi phản ứng từ tranh chấp gỗ xẻ mềm”, bà Freeland nói.
Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói với một nhóm phóng viên hôm 27.9 rằng, Boeing là đơn vị đã khởi xướng vụ kiện chứ không phải là chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, ông Ross cũng nhấn mạnh rằng sự việc này là biểu tượng cho thái độ của Tổng thống Trump trong thương mại và chính quyền mới đã “thực hiện theo hướng cứng rắn hơn” so với chính quyền tiền nhiệm. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu xu hướng này tiếp tục”, ông Ross cho biết.
Đối với Bombardier, đề xuất áp đặt mức thuế trên 200% vào dòng máy bay CSeries tạo ra một tương lai không chắc chắn đối với một công ty đã đặt cược vào sản phẩm để cải thiện vận may của mình. Chưa kể động thái này còn ảnh hưởng qua một số nơi khác. Bombardier sử dụng 4.300 công nhân ở Bắc Ireland và 17.000 công nhân ở Canada. Bombardier ước tính các công việc liên quan đến sản xuất CSeries có thể tạo ra 22.000 việc làm tại các nhà cung cấp Mỹ, trọng tâm là ở tiểu bang Kansas và West Virginia.
“Tôi không hiểu tại sao họ lại hành động như thế, nhưng tôi lo lắng chúng tôi ở đây sẽ bị ảnh hưởng vì Bombardier có thể sẽ cắt giảm việc làm”, Nathalie Leclerc, một nhân công tại Montreal, quê hương của Bombardier, nói.
Bất chấp các quy tắc thương mại quốc tế hạn chế khả năng trả đũa của Canada, Thủ tướng Trudeau đã cố gắng dùng hợp đồng quân sự để gây ảnh hưởng tới Boeing. Ông Trudeau đã nhiều lần cảnh báo sẽ hủy hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-18 của Boeing, trị giá khoảng 5,2 tỉ USD, nếu nhà sản xuất máy bay Mỹ vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện Bombardier.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.