Mua thực phẩm online mùa dịch, phải chờ

Mai Phương
Mai Phương
13/07/2021 06:37 GMT+7

Không chỉ khó khăn khi mua thực phẩm ở các siêu thị mà trong đợt giãn cách tại TP.HCM hiện nay, người dân mua hàng tươi sống trên mạng cũng gặp nhiều khó khăn.

Chờ 3 ngày, nhận thông báo hết hàng

Trưa qua (12.7), bà Phương Uyên (ngụ chung cư 8X Đầm Sen, Q.Tân Phú, TP.HCM) muốn mua online một số thực phẩm, nhưng đặt Grab không ai nhận, Bách Hóa Xanh không có hàng, còn BigC hẹn giao sau 2 - 3 ngày.
Trước đó, bà đã đặt mua trên website của Co.opmart, nhưng đã 2 ngày cũng không thấy có thông tin gì về tình trạng đơn hàng. Chung cư này đã bị cách ly từ ngày 5.7 do có người bị nhiễm Covid-19. Kể từ đó đến nay, bà Phương Uyên cũng như hàng trăm người tại chung cư chỉ toàn đặt mua thực phẩm online, nhưng rất ít có. Một số nhà trong chung cư đã nhờ người quen ở các tỉnh chuyển hàng lên bán nhưng chỉ được một số món.
“Muốn mua siêu thị 1 lần có nhiều hàng để trữ được nhiều đồ luôn mà khó quá. Giờ đúng là có gì ăn đó”, bà Phương Uyên than.

Chen chân mua rau ở tiệm photocopy, cửa hàng đèn dù đang giãn cách chống Covid-19

Dở khóc dở cười cũng là tình trạng của bà Linh An (ngụ Q.7, TP.HCM) dù là người thường xuyên mua hàng qua mạng. Ngày 7.7, bà đặt hàng qua trang web của siêu thị Co.opmart với nhiều món từ cá tươi, rau xanh, thịt... và được thông báo sẽ giao hàng trong ngày hôm sau (8.7). Nhưng hết hôm sau, bà vẫn không nhận được phản hồi nào. Đến sáng 9.7 vì nhà đã hết thực phẩm, nên bà phải ra xếp hàng mua. Oái oăm hơn là dù đã đi siêu thị, nhưng bà vẫn không dám mua trữ nhiều vì sợ nếu lỡ đơn hàng đã đặt được giao đến thì không đủ chỗ để trữ lạnh.
Mãi đến ngày 10.7 mới có nhân viên của siêu thị gọi điện xin lỗi và thông báo là do quá tải, đơn hàng của bà bị chậm nhưng hiện nay cũng không còn đủ các mặt hàng đã đặt mua. Do vậy bà Linh An đành hủy đơn và lại tiếp tục ra siêu thị xếp hàng chờ mua thực phẩm cho những ngày sau.
“Mất công dễ sợ vì trước đó đã đi lại không dám mua nhiều do tủ lạnh ở nhà không phải quá lớn. Muốn hạn chế ra đường cũng không được vì phải đi mua thịt cá rau cho cả nhà”, bà Linh An than thở.
Đồng cảnh ngộ, bà Kim Ngân (Q.2, TP.HCM) ngày 10.7 đặt online siêu thị Metro vào ngày 10.7 nhưng được thông báo đến tận ngày 17.7 mới giao hàng nên bà cũng phải ra siêu thị xếp hàng mua thực phẩm bởi “chờ siêu thị giao được hàng thì chết đói rồi”. Bà Nguyễn Thủy (Q.2, TP.HCM) thậm chí phải canh trên các website có bán hàng trực tuyến cả ban đêm để đặt được rau quả do nơi nào cũng quá tải, nhiều thời điểm phải tạm ngưng nhận hàng.

Đi giao rau ngày giãn cách gặp chốt kiểm soát, ông xe ôm xin tha vì 'lỡ lần đầu'

Đơn hàng vượt xa năng lực các nhà bán lẻ

Siêu thị Lotte Mart (Q.7, TP.HCM) sau thời gian tạm ngừng hoạt động đã mở cửa trở lại từ ngày 10.7. Thế nhưng, đến ngày 11.7, siêu thị thông báo đơn hàng đã quá đầy và chỉ đến ngày 15.7 mới nhận đơn hàng mới.
Kênh bán hàng online của Lotte Mart chỉ đến ngày 15.7 mới nhận đơn hàng mới Ảnh: chụp màn hình

Kênh bán hàng online của Lotte Mart chỉ đến ngày 15.7 mới nhận đơn hàng mới

Ảnh: chụp màn hình

Không chỉ riêng Lotte Mart quá tải đơn hàng online mà hàng loạt siêu thị, cửa hàng, sàn thương mại điện tử đều rơi vào tình trạng tương tự. Hệ thống Co.opmart đã thông báo ngay trang chủ nội dung: “Hiện nay tình hình đơn hàng online của đơn vị đang quá tải do nhu cầu đặt hàng tăng cao. Đơn đặt hàng của quý khách có thể sẽ được giao chậm hơn dự kiến 2 - 3 ngày. Kính mong quý khách hàng thông cảm”.
Theo bà Đoàn Khuyên, chủ dịch vụ Salem Clean, do dịch phải tạm ngưng hoạt động nên chuyển sang bán rau xanh để tạo thêm việc làm cho nhân viên, chia sẻ: Đơn hàng tăng liên tục dù chỉ mới bán sang ngày thứ 4 và hiện có khoảng 50 đơn/ngày khiến shipper (người giao hàng) chạy đuối. Thậm chí, có khách hàng than đã 2 ngày không có miếng rau củ nào cho gia đình và dù đặt đơn trễ quá thì bà cũng đành phải chia lại đồ để dành cho gia đình.
“Giao hàng mùa này quá cực, shipper bị chặn lại kiểm tra ở các chốt dù đã có giấy chứng nhận đi giao rau do công ty rau xanh cung cấp. Giao hàng ở nhiều khu cách ly thì phải đứng bên ngoài chốt chặn, đợi khách đi ra nhận nên càng mất thêm thời gian. Từ đó khiến cho tốc độ giao cũng chậm hơn...”, bà Khuyên nói.
Đại diện các siêu thị Aeon tại TP.HCM cũng cho biết liên tục những ngày qua, lượng đơn đặt hàng qua điện thoại đã tăng gấp 3 lần so với trước khi giãn cách. Đơn hàng cả online, qua điện thoại tại các siêu thị Co.opmart cũng tăng 5 - 6 lần ngày thường. Chia sẻ thêm, ông Trần Nhật Linh, phụ trách kênh online hệ thống Bách Hóa Xanh, thông tin những ngày vừa qua, lượng đơn hàng qua mạng của hệ thống này đã tăng lên 15.000 - 16.000 đơn/ngày, thậm chí có ngày cao điểm lên đến 20.000 đơn hàng/ngày. Trong khi trước đó chỉ dao động quanh mức 10.000 đơn/ngày. Còn so với đợt giãn cách tại TP.HCM vào năm 2020 thì lượng đơn hàng hiện nay đã gấp khoảng 10 lần.
Chính vì vậy, dù Bách Hóa Xanh liên tục tuyển dụng, đưa lượng shipper và cả cộng tác viên lên hơn 500 người thì mỗi ngày cũng chỉ có thể xử lý được tối đa từ 11.000 - 12.000 đơn hàng. Bên cạnh đó, số lượng hàng hóa trên mỗi đơn hàng cũng tăng nhiều hơn 4 - 5 lần so với trước. Không những vậy, TP.HCM có rất nhiều khu dân cư đang bị cách ly, nên khi giao hàng thì thời gian chờ khách hàng nhận cũng gia tăng... Ngoài ra, để thực hiện các biện pháp giãn cách, nhân viên soạn hàng, giao nhận hàng cũng phải chia thành 3 ca càng khiến hệ thống khó đáp ứng kịp.

Do đơn hàng quá tải, tồn đọng nên những ngày qua Bách Hóa Xanh không dám bán online các thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau xanh, vì những hàng tươi sống trước đây đều phải được giao trong ngày để đảm bảo chất lượng thì nay đơn hàng chỉ có thể giao sau 2 - 3 ngày nên buộc chỉ bán những hàng hóa có thời hạn sử dụng lâu hơn. Hiện nay ở một số vùng đơn đặt hàng đang giảm lại có thể do nhiều người dân đã mua đủ hàng để sử dụng. Khi số đặt hàng giảm còn khoảng 10.000 - 11.000 đơn/ngày, thì chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ hàng tươi sống qua mạng.

Ông Trần Nhật Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.