Mua sắm, vui chơi trong những container cũ

15/01/2018 07:42 GMT+7

Lần đầu tiên, những chiếc container cũ bỏ đi lại được tái chế thành khu mua sắm, giao lưu nghệ thuật, nơi tổ chức sự kiện ngoài trời độc đáo và thẩm mỹ.

Nơi các start-up “trình diễn” sản phẩm
Chủ nhân xây dựng mô hình tái chế container cũ thành khu mua sắm giải trí sầm uất hiện đại lần đầu tiên tại VN là một doanh nhân trẻ - ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh.
“TP.HCM là nơi quỹ đất tại các khu vực trung tâm gần như đã hết nhưng có khá nhiều khu đất vàng đã được giải tỏa chưa làm dự án. Những khu này thường “ở không” 3 - 5 năm, thậm chí cả chục năm. Tôi thấy phí quá, vậy là nghĩ ra cách để tận dụng tối đa khu đất này sao cho hiệu quả nhất. Quan trọng là tạo được sân chơi cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, có tham vọng xây dựng mô hình kinh doanh riêng cho mình. Tôi mua những container cũ và bắt đầu xây dựng mô hình chợ trời tại TP.HCM với dự án đầu tiên là Eco Box (Q.Tân Phú) và sau này là Zubik Zoo (Q.1)”, ông Hoàng Tuấn Anh cho biết.
Thực tế, mô hình này không mới tại một số nước. Ông Tuấn Anh không ngại ngần khi tiết lộ mình đã bê mô hình này tại Úc về làm ở VN. Ông nói: “Thái Lan đang có hàng chục dự án tận dụng container làm khu ẩm thực, thời trang, giới thiệu sản phẩm cho các bạn start-up với chi phí cực thấp. Đấy cũng là nơi ươm mầm cho những giấc mơ làm chủ, giấc mơ làm giàu của người trẻ. Tôi muốn thực hiện giấc mơ đó ngay trên quê hương mình. Tạo sân chơi cho start-up có chỗ đến “trình diễn” sản phẩm của mình, cũng là nơi sinh hoạt vui chơi của giới trẻ vào ban đêm hay dịp cuối tuần”.
Cái tên Hoàng Tuấn Anh thường được nhắc đến như một trường hợp điển hình về khởi nghiệp thành công ở nước ngoài. Du học sang Úc năm 15 tuổi, vừa học vừa phụ bán hàng tại khu chợ trời Queen Victory. Rồi tình cờ lang thang trên mạng thấy hàng lỗi hay hàng trưng bày như ti vi, tủ lạnh của các hãng lớn thế giới bán lại có giá chỉ bằng 50% giá hàng mới, ngay lập tức, anh liên lạc với nhà phân phối, mua và bán lại trên trang thương mại điện tử Ebay. “Có những chiếc tủ lạnh nặng 100 ký nhưng một mình phải cõng trên lưng leo lên tầng 3 để giao cho khách là bình thường. Tôi thấm thía một điều rằng, kiếm tiền ở xứ nào cũng vậy, hoàn toàn không dễ. Nhưng chính vì không dễ nên trong tôi luôn nung nấu giấc mơ phải kiếm được nhiều tiền hơn bằng mồ hôi, trí tuệ và công sức của mình”, ông Tuấn Anh tâm sự.
8 triệu USD đổ vào container cũ
Ông Tuấn Anh tâm sự: “Đã kinh doanh, phải nghĩ đến quyền lợi của đối tác. Chợ hay trung tâm mua sắm cố định, khi phải đập bỏ để trả đất cho các dự án, thường người kinh doanh cũng mất luôn những gì mình đã đầu tư trước đó. Còn với khu mua sắm trong các container, chúng tôi chỉ có thuê xe tải chở đi đến vị trí thuê mới, những gì các nhà kinh doanh đầu tư cho quầy của mình không thể xê dịch thay đổi. Khi lập ra những container này, chúng tôi coi trọng bảo toàn tài sản cho khách hàng là vậy”.
Không chỉ làm thương mại dịch vụ, lĩnh vực mà doanh nhân trẻ này đang hướng đến là góp phần hỗ trợ phát triển du lịch. Theo ông Tuấn Anh, chi phí thuê phòng khách sạn tại TP.HCM không thấp nếu so với một số nước phát triển du lịch trong khu vực. Khách du lịch, đặc biệt dân du lịch bụi, cần một chỗ nghỉ an toàn với chi phí thấp nhất, nên ông đang có kế hoạch đầu tư khoảng 8 triệu USD xây dựng chuỗi 20 dự án khách sạn container từ 50 - 100 phòng tại TP.HCM. Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng đang tìm những khu đất trống tạm thời để làm khu nhà trọ từ container, mục đích hỗ trợ cho sinh viên, công nhân thuê ở giá thấp nhất có thể. “Đã từng đi học và tìm thuê nhà trọ tại nước ngoài, tôi hiểu chi phí thuê nhà trọ dành cho sinh viên và công nhân cũng là áp lực lớn cho họ. Nên sau mô hình phát triển khu vui chơi hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ, chúng tôi nghĩ đến hỗ trợ chỗ ở, sinh hoạt cho sinh viên học sinh cũng từ những container tái chế”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.