Một số quy định tại Nghị định 38/2021: ảnh hưởng đến kinh tế báo chí

Nguyên Nga
Nguyên Nga
24/04/2021 06:58 GMT+7

Một số quy định bổ sung và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo tại Nghị định 38/2021 sẽ ảnh hưởng không ít đến kinh tế báo chí khi áp dụng.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 (gọi tắt là Nghị định 38 do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trình Chính phủ ban hành) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6 tới. Trong đó, liên quan vi phạm hành chính về quảng cáo trên báo chí, có 4 hành vi sẽ bị phạt tiền cao hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 158/2013, 2 hành vi vi phạm mới được bổ sung và 1 hành vi bị bỏ, quy định tại các điều 38, 39 và 40 của nghị định này.

Kinh tế báo chí đang gặp khó

Sáng 23.4, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, bà Phạm Đắc Mỵ Trân, Phó chánh thanh tra Sở TT-TT, đã thông tin về những điểm mới của Nghị định 38 trong buổi họp giao ban báo chí tổ chức tại Trung tâm báo chí TP.HCM. Theo đại diện nhiều cơ quan báo đài, quy định tăng mức xử phạt từ gấp rưỡi đến gấp đôi cho các hành vi vi phạm hành chính và tăng thêm các ràng buộc khác tại nghị định mới có thể “ảnh hưởng không ít đến kinh tế báo chí”.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng, trong thực tế có một số khoảng cách giữa quy định và thực tế báo chí. Luật Quảng cáo 2012 được ban hành gần 10 năm, có nhiều quy định bất cập, không còn phù hợp. Trong bối cảnh đó đã có nhiều cơ quan báo đài kiến nghị việc tập hợp các ý kiến và báo cáo các bộ, ngành liên quan về việc thực thi Nghị định 38 trong thời gian tới.
Đại diện Báo Thanh Niên kiến nghị cần làm rõ thêm yếu tố pháp nhân chịu trách nhiệm trong việc xử phạt vi phạm về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới . Với vi phạm “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài” (với mức phạt tiền theo Nghị định 38 từ 10 - 15 triệu đồng) thì hiện có nhiều trang thông tin điện tử, báo điện tử có dịch vụ Google Adwords (quảng cáo trên hệ thống của Google), thông qua các từ khóa được thể hiện trên website; cùng với đó là cách thức hiển thị nội dung quảng cáo theo thói quen người dùng một cách tự động. Trong trường hợp sai quy định về quảng cáo được hiển thị do thói quen của người dùng thì việc quy trách nhiệm cho chủ sở hữu, vận hành một website hoặc cơ quan báo chí như thế nào cho phù hợp và đúng đối tượng?
Đại diện Báo Phụ nữ TP.HCM bổ sung kinh tế báo chí trong nước hiện tại đang rất khó khăn. Các trang mạng nước ngoài như Facebook, Google, YouTube... hiện chiếm hơn 60% thị trường quảng cáo của Việt Nam, phần còn lại chia ra không chỉ có báo chí mà còn nhiều kênh quảng cáo khác nữa. Như vậy, siết chặt quản lý liên quan quảng cáo sẽ thêm khó khăn cho báo chí trong nước... Ngoài ra, có một số tờ báo hợp tác với các công ty quảng cáo chuyên nghiệp, họ nhúng vào website của báo, vậy khi bài lên, phần quảng cáo tự động nhảy lên thì xem xét phạt thế nào? Đặc biệt quy định “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” (mục b, khoản 2, điều 38) là thiếu thực tế, vì trong 1,5 giây thì người đọc chưa kịp thấy gì, thường thì quảng cáo hiện lên báo tự động sau 5 giây mới tắt.

Có quy định không còn phù hợp thực tế

Đại diện Báo Người Lao động cho rằng: “Hiện báo chí trong nước đang chen nhau trong thị phần quảng cáo hạn hẹp, phần lớn còn lại là của các trang nước ngoài như Facebook, Google, YouTube... chúng ta càng căn ke quá, miếng bánh quảng cáo của báo chí trong nước càng thu hẹp nữa”, vị này nói và lo lắng nếu bị “siết”, các đối tác sẽ rút quảng cáo khỏi các tờ báo trong nước, gây khó khăn thêm cho các cơ quan báo chí.
Đại diện Báo Tuổi Trẻ kiến nghị các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch... cần xem xét lại, có thể điều chỉnh trước khi ban hành các quy định hướng dẫn mới liên quan Nghị định 38 nhằm phù hợp với thực tế hơn. Đại diện Báo Người Lao động đề xuất nên có sự sửa đổi, bổ sung luật Quảng cáo cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đại diện Đài truyền hình TP.HCM nêu cụ thể: luật Quảng cáo nay đã quá lạc hậu, ví dụ như quy định truyền hình phát quảng cáo không được quá 2 lần, quá 4 lần rồi mỗi lần không quá 2 phút... Quy định không được phép chèn quảng cáo trong các chương trình chính trị thì đúng, còn chèn trên các kênh giải trí thì nên cho phép các đài tự chủ. Vì thực tế nếu đài nào quảng cáo nhiều, người xem tự động chuyển kênh thôi. Về nội dung quảng cáo thì nên giao cho tổng biên tập cơ quan báo đài chịu trách nhiệm. “Nay tìm được một sản phẩm quảng cáo đã khó, đằng sau đó lại phải bị ràng buộc quá nhiều quy định về thời lượng, khung giờ nữa... Thực sự chúng tôi thấy khó và rất mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho báo chí vừa hoạt động trong khuôn khổ pháp luật vừa giữ được nguồn thu cho hoạt động của mình”, đại diện HTV nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.