Mông lung với tiêu chí xác định hàng Việt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/09/2019 06:36 GMT+7

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, nhiều nội dung như định nghĩa về gia công đơn giản, các khái niệm xuất xứ… sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện.

Làm sao để xác định tỷ lệ 30% hàm lượng giá trị được làm ra ở VN; bò nuôi ở Lào nhưng nhập về VN để vắt sữa thì sữa đó có được coi là sữa nội... là những băn khoăn của các doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định thế nào là hàng VN và hàng hóa sản xuất tại VN, do Bộ Công thương tổ chức ngày 25.9.

Nguyên liệu Mỹ, chế biến ở VN thì ghi thế nào?

Khái niệm về xuất xứ và khái niệm về sản xuất, chế tạo có đồng nhất không, có đồng nghĩa với nhau không, điều này đang cần bóc tách

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại - Công nghiệp VN)

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, dẫn quy định hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được dán nhãn sản xuất tại VN và thắc mắc: "Vậy như sữa bột cho trẻ em, nguyên liệu bột nhập khẩu về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt thì phải thuê nhà nghiên cứu với hàm lượng chất xám rất cao, nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào thì có lẽ không đạt trên 30%, lúc đó chúng tôi có được dán nhãn hàng sản xuất tại VN? Hoặc doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư nuôi bò sữa tại Lào, Campuchia rồi chở về VN vắt sữa, quy trình quản lý tất cả là của VN thì nhãn dán thế nào? Hay nguyên liệu nhập từ Úc, Mỹ mà DN lợi dụng để ghi là sữa Mỹ, New Zealand thì dân VN rất thích”, ông Trung băn khoăn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, chỉ khi nào sữa tươi đó thu được trên lãnh thổ VN, sản phẩm sữa đó mới được coi là sữa VN. Nếu nhập khẩu nguyên liệu về, giá trị gia tăng tạo ra ở trong nước dưới 30% thì tốt nhất DN ghi xuất xứ hiểu biết tốt nhất của mình mà Nghị định 43/2017 đã quy định. Nói về giá trị chất xám để tính hàm lượng giá trị gia tăng, ông Khánh thừa nhận rằng rất khó đánh giá, định lượng. “Những sản phẩm có chất xám mà có giá trị, thì thông thường sẽ làm đăng ký bản quyền cho sản phẩm chứa chất xám đó. Sau khi có bản quyền và quyền sở hữu với bằng phát minh sáng chế đó, chúng ta mới tính giá trị của chất xám đó. Còn nếu nói chất xám chung chung rất khó, anh có thể nói công thức phát minh ra loại sữa này rất tốn tiền nhưng điều gì chứng minh?”, ông Khánh đặt ngược vấn đề.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát phản ánh, nhiều hàng nội thất của DN này được nhập từ nhiều bộ phận linh kiện do các nhà cung ứng nội thực hiện nhưng không rõ các chi tiết đó có phải hàng nội hay không, vậy căn cứ để xác định giá trị đầu vào của hàng trong nước đạt 30% giá trị gia tăng là đâu, do cơ quan nào xác định, bởi thực tế kế toán của công ty không thể tính được. Cụ thể hơn, bà Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên nhãn hàng hóa của Bộ KH-CN dẫn quy định “hàng hóa gia công đơn giản thì không được coi là hàng VN” tại dự thảo này để phân tích: Thế nào là quá trình gia công đơn giản, bởi nếu DN nhập hàng từ Mỹ về phối trộn, cho phụ gia vào và trên thực tế việc này làm thay đổi bản chất hàng hóa, chất lượng hàng hóa thì không thể gọi là đơn giản nữa. “Do đó, nếu không được dán nhãn hàng VN thì DN có thể ghi là xuất xứ Mỹ. Mà người Việt hay sính ngoại, nên dán nhãn hàng Mỹ thì DN lợi quá, mặc dù quá trình phối trộn này làm cho chất lượng sản phẩm không còn như hàng phối trộn ở Mỹ”, bà Dương dẫn chứng và cho rằng ở điểm này nên thòng thêm cụm từ “gia công chế biến nhưng không làm thay đổi cơ bản bản chất, chất lượng của hàng hóa”.

Còn phân vân vì nhiều khái niệm

Ngoài ra, một số DN cũng nêu thực tế, sản phẩm sứ vệ sinh, nội thất của họ một phần nguyên liệu nhập từ các nước ASEAN nên khi xuất khẩu thì được dán nhãn xuất xứ ASEAN. Nhưng khi bán sản phẩm này ra nội địa thì không đủ điều kiện ghi là hàng VN vì nguyên tắc tính tỷ lệ cộng gộp trong ASEAN, nhưng chưa thấy thông tư này (áp dụng ghi nhãn với hàng hóa lưu thông nội địa) hướng dẫn. Bên cạnh đó, nếu DN không tự tin xác định hàng đủ điều kiện để gắn nhãn sản xuất trong nước thì tham vấn cơ quan nào, hoặc khi phát sinh kiện tụng hay bị xử phạt thì cơ quan nào đứng ra phân xử?
Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN), phân vân về hàng loạt khái niệm trong dự thảo ở phần nội dung dán nhãn. Ví dụ, thông tư quy định tùy thuộc quá trình sản xuất, chế biến mà DN, cá nhân có thể ghi hàng hóa “chế tạo tại VN”, “chế tác tại VN”, “VN sản xuất”, “sản phẩm của VN”… “Vậy thì khái niệm về xuất xứ và khái niệm về sản xuất, chế tạo có đồng nhất không, có đồng nghĩa với nhau không, điều này đang cần bóc tách”, bà Hương nói.
Ghi nhận các góp ý, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, nhiều nội dung như định nghĩa về gia công đơn giản, các khái niệm xuất xứ, chế tạo chế tác hay vấn đề cơ quan nhà nước xác định tỷ lệ hàm lượng khi DN cần tham vấn… sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.