Mối lo lớn từ chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump

15/01/2018 13:10 GMT+7

Các nhà chiến lược ngày càng quan tâm đến chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi hai sự kiện thương mại đặc biệt trong tuần qua đã gây ra sự lộn xộn trong các thị trường tài chính.

Sự kiện đầu tiên là báo cáo của Bloomberg hôm 10.1 về việc các quan chức cấp cao Bắc Kinh đang rà soát lại nguồn dự trữ ngoại hối và dự định sẽ giảm tốc độ mua vào hoặc dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, bên cạnh việc trái phiếu Mỹ hiện không còn hấp dẫn bằng các tài sản khác, thì còn một nguyên nhân khác là do căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng ngay sau khi thông tin này được đưa ra, cho thấy giá trái phiếu giảm xuống, cùng với đó đồng USD cũng trên đà giảm giá.
Sự kiện thứ hai là việc Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Canada giấu tên cho biết giới chức Canada ngày càng có niềm tin mạnh mẽ rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Cổ phiếu, đồng peso Mexico và đồng đô la Canada sụt giảm ngay sau khi thông tin này được tung ra, các công ty Mỹ trong lĩnh vực nhạy cảm với thương mại như ô tô cũng bị ảnh hưởng.
“Mọi người dường như đã miễn nhiễm với ý tưởng rủi ro chính trị ảnh hưởng đến thị trường vào năm 2017 chỉ đơn giản là bởi vì nó đã không diễn ra. Và từ quan điểm đó chúng tôi nghĩ rằng mọi người đang quá chủ quan trong việc các rủi ro chính trị có thể ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu và thị trường tài chính trong năm nay”, Julian Emanuel, giám đốc chiến lược phái sinh của hãng dịch vụ tài chính toàn cầu BTIG, nói.
Theo Bloomberg, các nhà chiến lược khác cũng chỉ ra rằng thương mại là một trong những rủi ro lớn nhất trong năm nay. Công ty quản lý tài sản BlackRock tuần qua dựa trên các chỉ số độc quyền nhận định rằng nguy cơ địa chính trị tác động đến thương mại toàn cầu đang tăng lên.
Tháng 1.2018 là tháng quan trọng đối với các vấn đề thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Cuộc đàm phán lại NAFTA lần thứ sáu sẽ bắt đầu vào ngày 23.1 tại Canada, nhưng có vẻ các nhà đàm phán sẽ khó thoát ra khỏi những bất đồng trong các vấn đề then chốt. Chính quyền ông Trump dự kiến cũng sẽ đưa ra hai quyết định thương mại quan trọng về thép và nhôm có khả năng tác động lớn đến Trung Quốc vào cuối tháng này.
Các nhà phân tích của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group hiện nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các khoản đầu tư vào Kho bạc Mỹ để tạo mối đe dọa thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều công cụ để gây áp lực đến việc mua bán trái phiếu Mỹ nhằm cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump và trả đũa các biện pháp thương mại, bao gồm việc từ chối cho các công ty Trung Quốc tiếp cận với thị trường và công ty Mỹ. “Đây là những công cụ đã được Bắc Kinh sử dụng rộng rãi, gần đây nhất là với Hàn Quốc”, các nhà phân tích của Eurasia Group viết.
Còn trường hợp NAFTA, thị trường toàn cầu coi đây là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Theo Jens Nordvig, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thông tin Exante Data, bất đồng trong đàm phán NAFTA là nguy cơ lớn nhất đối với mặt trận thương mại và chính quyền ông Trump có thể làm tổn thương đồng USD nếu quyết định rút khỏi hiệp định. Nếu giá đồng peso Mexico và đô la Canada bị giảm vì quyết định này, thì giá trị đồng bạc xanh cũng không thoát khỏi trường hợp bị lùi lại phía sau so với đồng euro và đồng yen. Ngoài ra, nếu Mỹ có những biện pháp bảo hộ cực đoan hơn, đồng USD có thể sẽ mất sức hấp dẫn của một đồng tiền dự trữ trong dài hạn.
Ông Trump ngay khi còn là một ứng cử viên tổng thống đã tỏ thái độ chống lại NAFTA vì cho rằng đây là hiệp định không công bằng với Mỹ. Phía chỉ trích cho rằng NAFTA khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Mexico tăng cao, trong khi đó những người ủng hộ NAFTA lại nói hiệp định nếu bị hủy bỏ sẽ làm tăng giá cả ở Mỹ, đồng thời gây tổn thương cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ô tô và nông nghiệp.
Hiện tại, theo các nhà phân tích, tương lai của NAFTA ra sao vẫn còn là một dấu chấm hỏi. “Đây là một trường hợp 50 - 50, không có điều gì là hoàn toàn chắc chắn, nhưng cá nhân tôi nghĩ Mỹ có thể sẽ không rút ra khỏi NAFTA”, Juan Carlos Hartasánchez, giám đốc công ty chiến lược toàn cầu Albright Stonebridge, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.