Mỗi bộ quản một 'ông', ô nhiễm ngày càng nặng

24/09/2019 06:29 GMT+7

Xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất trong các phương tiện cơ giới hiện nay, đồng thời là nguyên nhân chính gây ách tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội.

Theo thống kê từ Sở GTVT, hiện TP.HCM có gần 7,5 triệu mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất trong các phương tiện cơ giới hiện nay, đồng thời là nguyên nhân chính gây ách tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội. Ngành môi trường “sốt ruột” nhưng “ông” giao thông vẫn chưa đưa ra được quyết sách nào nhằm kiểm soát khí thải từ xe máy. UBND TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản thúc giục Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành và trong trường hợp chưa thể ban hành quy định áp dụng trên cả nước, địa phương mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm. Tuy nhiên do phải chờ sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ, đề án này đến nay vẫn phải nằm chờ trên giấy.
TS Nguyễn Trung Thắng, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, nhận định trường hợp trên của TP.HCM là một biểu hiện của những chồng chéo và khoảng trống trong phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường. Cụ thể, Bộ TN-MT chịu trách nhiệm chung về bảo vệ môi trường không khí nhưng chỉ kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn. Đối với nguồn thải cố định khác, Bộ Công thương được giao quản lý song cũng chỉ kiểm soát đối với các DN nhà nước trực thuộc, trong đó có các cơ sở phát sinh khí thải trọng điểm mà Bộ TN-MT kiểm soát, nhưng lại không quản lý các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Bộ GTVT được giao quản lý và kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông. Bộ Xây dựng quản lý hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường ở các đô thị, song trách nhiệm về ô nhiễm không khí từ các công trình xây dựng cũng chưa thật rõ ràng. Trong khi đó, Bộ Khoa học - Công nghệ được giao quản lý việc ban hành các tiêu chuẩn về nhiên liệu, thẩm định công nghệ. Sự phân tán trách nhiệm như vậy làm cho công tác bảo vệ không khí khó đạt kết quả cao nếu không có sự điều phối, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ/ngành, vốn là điểm yếu trong hệ thống của chúng ta.
“Chúng ta cần phải xây dựng một văn bản luật chuyên biệt về bảo vệ môi trường không khí (hay luật Không khí sạch) như nhiều nước trên thế giới. Luật này sẽ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ ngành, các DN, người dân, các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương/đô thị trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường không khí”, TS Thắng đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.