Mở lại đường bay quốc tế, có khả thi?

21/08/2020 06:18 GMT+7

Mở lại đường bay quốc tế được đánh giá là liều thuốc hiệu quả nhất “cấp cứu” cho ngành hàng không, du lịch , vực dậy nền kinh tế. Song, mở như thế nào, phương án ra sao để khả thi vẫn chưa có cơ quan nào chỉ rõ.

Mở đường bay đến các nước đã kiểm soát được dịch

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) hàng không VN vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo hiệp hội, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên hay giảm giá vé... nhưng vẫn đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, bên cạnh các đề xuất giải pháp hỗ trợ về tài khóa như tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng ưu đãi đặc biệt, kéo dài miễn giảm nhiều loại thuế, phí, hiệp hội này còn kiến nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 để sớm khởi động lại thị trường. Song song, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề mở cửa bầu trời được đặt ra với mong mỏi phá băng nền kinh tế sau ngủ đông. Hồi giữa tháng 7, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa VN và các nước.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia). Trong giai đoạn đầu, mở các đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan) - TP.HCM; Viêng Chăn - Quảng Ninh; Phnôm Pênh - Cần Thơ với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến. Toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch.
Như vậy, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào VN trên các chuyến bay thường lệ. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay. Khi đó, Bộ GTVT dự kiến sớm nhất đầu tháng 8 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.
Thế nhưng cuối tháng 7, dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng và có nhiều diễn biến khó lường, lây lan sang nhiều địa phương khiến kế hoạch mở cửa bầu trời đành tạm gác lại.
Trước đề xuất mới đây của Hiệp hội DN hàng không VN, đại diện Bộ GTVT cho biết đơn vị này đang yêu cầu Cục Hàng không hoàn thiện lại phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào VN để xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...

Tổng hợp Covid-19 ngày 20.8: Việt Nam vượt mốc 1.000 ca bệnh, ngày dài ở Bệnh viện E

Lo ngại nguy cơ "nhập dịch"

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một hãng hàng không cho biết, mở lại các đường bay quốc tế luôn là mục tiêu của tất cả các hãng. Không chỉ mang ý nghĩa tích cực về mặt tinh thần kỳ vọng sự khôi phục hoàn toàn của ngành hàng không, bay lại một số đường bay quốc tế còn mang đến doanh thu, tạo dòng tiền cho các hãng trong bối cảnh đang chật vật đối mặt với tình trạng khó khăn. Đồng thời, giải quyết bài toán nhân lực, tạo thêm cơ hội làm việc cho những nhân sự đang chịu ảnh hưởng trực tiếp như phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật… Mặc dù vậy, DN này cũng thừa nhận, đây chưa phải thời điểm thích hợp để bàn chuyện nối lại các đường bay quốc tế.
“Chính phủ có chủ trương xem xét mở lại một số đường bay quốc tế đến các nước đã khống chế được dịch nhưng thực tế, không đơn giản. Dịch bệnh tại VN đến nay chưa được kiểm soát hoàn toàn, các điểm đến dự kiến nối lại đường bay như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh cũng đang tăng cao nên rất khó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Chỉ một rủi ro nhỏ dẫn đến “nhập dịch” hay mang dịch ra các nước cũng sẽ kéo theo tác động rất lớn. Chưa kể dịch bệnh các nước tăng cao sẽ ảnh hưởng tâm lý hành khách, khả năng doanh thu mang lại thấp, không đảm bảo hiệu quả khai thác cho DN. Việc ưu tiên trước mắt vẫn là đảm bảo an toàn cho hành khách và nỗ lực chống dịch của cả nước” - vị này nêu ý kiến.
TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch VN (TAB), nêu ý kiến: Việc nối lại các đường bay quốc tế có khả thi hay không phụ thuộc vào phương án thực hiện như thế nào. Hiện nay, phương án của Bộ GTVT, Cục Hàng không đề xuất mới chỉ trên phương diện đơn phương của VN, chưa có báo cáo kết quả đã làm việc với các quốc gia hay chưa, thỏa thuận giữa các bên như thế nào, hành khách bay đến/bay đi giữa 2 nước sẽ phải tuân thủ những quy định gì…
“Đã có DN hàng không đề xuất với TAB phương án thí điểm mở đường bay quốc tế đến Phú Quốc vì đây vừa là điểm đến an toàn, vừa là huyện đảo khu biệt nên dễ phong tỏa, kiểm soát. Thế nhưng phương án này lập tức vấp phải sự phản đối của chính các DN du lịch với lý do: Mang khách quốc tế vào Phú Quốc, người dân địa phương sẽ phản ứng vì sợ dịch; Người từ các tỉnh, thành khác cũng sẽ e ngại mà không tới Phú Quốc nữa. Nói vậy để thấy, để đánh giá có mở lại được các đường bay quốc tế hay không, phải có phương án cụ thể mới tính được”, ông Nam nhấn mạnh.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 21.8: Không có ca mắc mới, hơn 100 bệnh nhân đã âm tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.